Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6 vừa được Bộ Tài chính ban hành có nội dung chính là có 30 khoản phí, lệ phí tiếp tục được giảm từ ngày 1/7 - 31/12, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trong số này, có 29 khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 và bổ sung giảm thêm mức thu 1 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều mức giảm cao. Cụ thể như: Giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không....
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam. Một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế. Dự báo kinh tế thế giới năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của COVID-19. Nhiều ngành, lĩnh vực trong nước gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải....
Chia sẻ về sự đồng hành của Bộ Tài chính trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua cũng như thời gian tới đã có tác động khá tích cực đến hoạt động của nghiệp. Đặc biệt, việc giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động… đã hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.
“Trong bối cảnh thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn; đồng thời phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chi cho an sinh xã hội và cấp bách phát sinh, việc giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí là cố gắng rất lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính”, ông Nguyễn Hữu Quang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định.
Theo đó, mức thuế suất hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư, quay trở lại có đóng góp cho nền kinh tế và cho ngân sách. Về lâu dài, cùng với sự hỗ trợ “đúng, trúng và đủ” của Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần chuyển dịch mô hình kinh doanh và chi phí để tăng sức bền và thích nghi trong hoàn cảnh mới.