Tham gia đối thoại có lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chức năng, lãnh đạo huyện, thành phố và hơn 400 doanh nghiệp đại diện hơn 14.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, các giám đốc sở, lãnh đạo địa phương “nói” phải đi đôi với “làm”, dành từ 3 - 5 ngày trong 1 tháng để đi thực tế, gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu khó khăn, nhu cầu của doanh nghiệp, kịp thời có giải pháp phù hợp. Các cơ quan chức năng tạo cơ chế tốt nhất cho doanh nghiệp mới thành lập để đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp có nhiều kiến nghị gửi lãnh đạo tỉnh như các vấn đề liên quan tới lĩnh vực như: thương mại; lao động việc làm; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; cung cấp điện; hạ tầng; đất đai, môi trường; đầu tư; thuế, tín dụng.
Thời gian xử lý thông quan luồng vàng, xử lý phần khai bổ sung tờ khai thông quan đối với lô hàng nhập khẩu chưa nhanh. Thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư một dự án từ khi bắt đầu đến khi hoạt động mất nhiều năm, nhiều thủ tục.
Trình độ tay nghề và ý thức của một bộ phận người lao động chưa cao dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng đối với doanh nghiệp. Các cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành của các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hệ thống cung cấp điện trên địa bàn huyện Cẩm Giàng chưa ổn định. Việc thu gom, tập kết, đốt rác tại các bãi rác thuộc địa phận xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng chưa giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng tới môi trường và thu hút đầu tư.
Một số doanh nghiệp đề nghị Nhà nước có chính sách miễn giảm thuế với doanh nghiệp, làng nghề làm hàng thủ công xuất khẩu; tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư, sản xuất, kinh doanh….
Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Hải Dương, tăng thu ngân sách, giải quyết hiệu quả vấn đề xã hội. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018. Kết quả Hải Dương đạt 60,98/100 điểm và xếp hạng 55/63 tỉnh, thành. Đây là thứ hạng thấp nhất của tỉnh Hải Dương kể từ năm 2015 đến nay.
Từ kết quả này cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Dương chưa cải thiện nhiều. Số lượng doanh nghiệp không hài lòng với cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều, nỗ lực cải cách hành chính không hiệu quả. Sự điều hành phát triển kinh tế của lãnh đạo tỉnh còn bất cập. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tình trạng ngồi chờ doanh nghiệp đến “nhờ” mới làm thủ tục vẫn còn phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu, hệ thống chính trị từ tỉnh xuống huyện, xã tích cực vào cuộc, đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các sở ngành, cơ quan chức năng phân tích hạn chế, thiếu sót, gắn trách nhiệm đối với từng chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (PCI) bị tụt hạng; đề ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển cũng giao cho các hội, hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp gửi báo cáo hằng tháng hoặc hằng quý cho lãnh đạo tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương luôn sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến, kiến nghị, đóng góp và sẽ xử lý ngay tất cả kiến nghị của các doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu đến ngày 30/6, các cơ quan chức năng phải có báo cáo về giải quyết các các kiến nghị của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển cũng đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn cần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bền vững; hỗ trợ nhau cùng phát triển. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người lao động, xã hội và địa bàn nơi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; thực hiện đầy đủ quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước…