Để tội phạm 'lộng hành', lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm

Tội phạm giết người gia tăng, nhất là các vụ giết người thân, giết người do mâu thuẫn thù tức cá nhân; một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ dư luận.

Năm 2016, toàn quốc xảy ra 54.511 vụ phạm pháp hình sự (giảm 4,4% so với năm 2015), nổi lên là hoạt động của tội phạm có tổ chức có dấu hiệu phức tạp trở lại trên nhiều địa bàn. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP, sáng 7/3. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP chủ trì hội nghị.


Tội phạm về ma túy tiếp tục gia tăng


Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), năm 2016, nhiều băng nhóm lưu manh, côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí để thực hiện hành vi phạm tội, có vụ vài chục đối tượng tham gia, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Tội phạm giết người gia tăng, nhất là các vụ giết người thân, giết người do mâu thuẫn thù tức cá nhân, bột phát xảy ra nhiều, một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ dư luận.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn là nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia. Đáng lo ngại là tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công, quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước gây thất thoát lớn nguồn vốn của nhà nước.


Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết, thời gian qua, tội phạm về ma túy tiếp tục gia tăng, nhiều vụ vận chuyển ma túy với số lượng lớn được phát hiện, các đối tượng luôn sử dụng vũ khí quân dụng, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị bắt giữ từ tuyến biên giới Lào vào Việt Nam. Gần đây liên tục xảy ra các vụ học viên đang cai nghiện tại các Trung tâm gây rối, đập phá cơ sở vật chất tại các trung tâm rồi trốn ra ngoài gây bức xúc, hoang mang trong nhân dân ở nhiều tỉnh, thành phố. Việc mua bán, vận chuyển và sử dụng một số loại ma túy mới như “cỏ Mỹ”, “lá Khát”, “tem giấy”, “bùa lưỡi” có xu hướng gia tăng, đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, học sinh, sinh viên nhưng chế tài xử lý còn gặp khó khăn ảnh hưởng đến công tác phát hiện, điều tra xử lý về hình sự.


Trong năm 2016, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 42.558 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 80.210 đối tượng; phát hiện 16.823 vụ phạm tội về kinh tế, 244 vụ tham nhũng; xác minh, điều tra 669 vụ liên quan đến sử dụng công nghệ cao phạm tội; xử lý 17.622 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; đấu tranh triệt phá 18.742 vụ, 28.970 đối tượng phạm tội về ma túy. Điều tra khám phá 234 vụ, bắt 308 đối tượng mua bán người.


Theo Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hoạt động của tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, tập trung ở tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Trung Quốc, Campuchia. Tội phạm ma túy có xu hướng tăng về số lượng, đặc biệt là trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Trung Quốc, qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Tội phạm ma túy thường manh động, chống trả quyết liệt khi bị phát hiện.


Trong số 9.725 vụ, 14.900 đối tượng vi phạm được các cơ quan chức năng của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ trong năm 2016, có 1.204 vụ, trên 1.400 đối tượng liên quan đến ma túy, tăng 11,99% về số vụ và 11,8% số đối tượng so với năm 2015. Tang vật bị thu giữ gồm 660 bánh và 14,5 kg heroin, 130 kg và 211.000 viên ma túy, 51,4 kg thuốc phiện, 447,4 kg cần sa…


Lãnh đạo tỉnh Nghệ An thông tin, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, năm 2016, có một cán bộ bị bắn trọng thương và 5 cán bộ bị chống trả phải điều trị phơi nhiễm HIV.


Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho hay, tình hình tội phạm mua bán người mặc dù giảm 6% số vụ, nhưng tăng 12% số nạn nhân. Nước ta vẫn là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm; đưa người trái phép ra nước ngoài lao động thời vụ, du lịch, học tập, thăm thân, chữa bệnh... tiềm ẩn nguy cơ bị mua bán; lợi dụng quy định về hiến ghép tạng để mua bán tạng trái phép.


Còn theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm, tội phạm mua bán người tập trung ở các tỉnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… Đây là địa bàn thu gom nạn nhân các tỉnh về, vừa là địa bàn trực tiếp xảy ra hoạt động lừa gạt, dụ dỗ, cưỡng ép các phụ nữ, trẻ em. Đã phát hiện nhiều đối tượng người Trung Quốc cấu kết với người Việt Nam, chủ yếu là người Việt Nam lấy chồng Trung Quốc về nước ráp nối với các đối tượng buôn người trong nước hình thành các đường dây bắt cóc trẻ em, lừa gạt phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức hạn chế để đưa sang Trung Quốc. Năm 2016, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng đã phát hiện, xử lý 80 vụ mua bán người, 48 đối tượng, liên quan đến 115 nạn nhân, tăng 29,3% so với năm trước.


Không để hình thành các băng nhóm


Những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm, những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng và giải pháp khắc phục đã được các đại biểu đưa ra. Thượng tướng Lê Chiêm nhận định, tình hình tội phạm trên tuyến biên giới, tuyến biển năm 2016 tăng 11% là do tình hình tội phạm gia tăng trên toàn cầu, tình hình kinh tế xã hội cư dân vùng biên giới đang gặp nhiều khó khăn, Ban Chỉ đạo 138 ở cơ sở chưa phát huy hết trách nhiệm...


Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Trung tướng Lê Đông Phong đề nghị với những đối tượng có dấu hiện nghiện đến mức loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp, cần cách ly để phòng ngừa phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn vì loại này rất khó quản lý, xử lý tại cộng đồng. Với cai nghiện tại cộng đồng, cần nghiên cứu cụ thể hóa các quy định trong các trường hợp không ràng buộc được trách nhiệm của gia đình đối với thân nhân người nghiện. Cần chia sẻ thông tin về di biến động của các đối tượng phạm tội hoạt động liên tỉnh hoặc đối tượng nghi vấn.


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ ra rằng, cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi, một số ban, bộ, ngành còn chưa quan tâm, chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm. Trách nhiệm người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa được đề cao và thực hiện hiệu quả. Nơi nào lãnh đạo địa phương thiếu quan tâm là nơi đó tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đề cao trách nhiệm trong thi hành công vụ, chấp hành chưa nghiêm quy chế, quy trình công tác, thậm chí vi phạm pháp luật. Công tác quản lý các đối tượng nhạy cảm hiệu quả chưa cao.


Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo cần quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, chương trình quốc gia và kế hoạch của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người, nhất là Kết luận số 05 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020.


Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tham gia cảm hóa, giúp đỡ, tạo điều kiện việc làm cho người mãn hạn tù tái hòa nhập tại cộng đồng dân cư, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.


Các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, thống kê, đánh giá, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự kịp thời từ cơ sở. Các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm; tăng cường xét xử lưu động để răn đe tội phạm.


Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã, không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm “lộng hành”, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Nơi nào để tội phạm hoạt động “lộng hành” trong thời gian dài, lãnh đạo UBND địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục xác định các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội để chuyển hóa thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm tội phạm đến mức thấp nhất. Việc truy nã đối tượng phải kiên quyết kể cả tội phạm đang trốn tránh trong nước lẫn tội phạm trốn chạy ra nước ngoài.


Cho rằng người nghiện ma túy là nạn nhân, là con bệnh nhưng đồng thời họ cũng là người tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật và trở thành tội phạm, đặc biệt là người ngáo, mặc dù công tác cai nghiện đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả còn hạn chế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu các loại thuốc điều trị thay thế có hiệu quả, xây dựng chương trình kiểm soát ma túy ở gia đình và cộng đồng. Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu triển khai đề án xây dựng Tòa ma túy để quản lý các đối tượng nghiện ma túy có hành vi vi phạm pháp luật nhưng ở mức ít nghiêm trọng và phi bạo lực. Tập trung cai nghiện cho người nghiện ma túy tốt hơn nữa theo quy định của pháp luật.


Với 300.000 người nghiện ma túy, số không được quản lý trong các trung tâm cai nghiện tập trung còn rất lớn, Phó Thủ tướng cho rằng phải có chương trình kiểm soát, tư vấn về sức khỏe, tâm thần, kỹ năng lao động nghề nghiệp, kiểm soát được việc sử dụng methadone hay các loại thuốc khác được Bộ Y tế công nhận.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ
Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ vừa ban hành Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN