Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết: Trong năm 2023, bám sát các chương trình hoạt động của đô thị Việt Nam, các địa phương thuộc cụm đô thị Đông Nam Bộ đã triển khai các hoạt động, nội dung phát triển đô thị và giải quyết các vấn đề bức xúc đặt ra. Trọng tâm là tổ chức phong trào thi đua do Hiệp hội các đô thị Việt Nam phát động năm 2023, với chủ đề xây dựng đô thị thông minh - xanh - sạch - đẹp - sáng, gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.
Các đô thị tập trung đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tập trung đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp nước sạch. Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình, chiến dịch bảo vệ môi trường, theo nhiều mô hình phù hợp với từng đô thị. Một số đô thị từng bước cải tạo, cập nhật công nghệ mới về chiếu sáng công cộng, quan tâm chiếu sáng nghệ thuật, trang trí..., đảm bảo đô thị văn minh, hiện đại.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đô thị; chủ động các hoạt động, các sáng kiến mới về đô thị thông minh, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường như triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thí điểm đô thị thông minh, hệ thống camera giám sát thông minh…
Theo ông Đỗ Ngọc Hoàn, Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng), vùng Đông Nam Bộ là vùng có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước; trong đó, tỉnh Bình Dương dẫn đầu với tốc độ đô thị hóa nhanh (84,2%); về phân cấp Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, là siêu đô thị trong cả nước; các đô thị đã định hình, tập trung phát triển theo các mũi nhọn về kinh tế xã hội, dần trở thành cực tăng trưởng trong khu vực.
"Hiện nay tốc độ phát triển hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển tự nhiên; các tỉnh như Bình Phước, Tây Ninh quỹ đất còn khá nhiều, hệ thống đô thị chỉ đang phát triển trong giai đoạn đầu. Do đó, để phát triển hệ thống đô thị nông thôn tại vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới vùng cần bám sát và căn cứ vào quy hoạch tổng thể quốc gia; xác định rõ các hành lang phát triển kinh tế, hành lang giao thông trong khu vực, hàng lang kinh tế Bắc - Nam của vùng Đông Nam Bộ (từ tỉnh Đồng Nai đến Thành phố Hồ Chí Minh) nên phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ", ông Đỗ Ngọc Hoàn nhấn mạnh.
Đối với Cụm các đô thị vùng Đông Nam Bộ cần xác định và xây dựng các hành lang kinh tế như: hành lang kinh tế Mộc Bài - thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Biên Hòa - thành phố Vũng Tàu; hình thành vành đai công nghiệp đô thị dịch vụ logistic dọc theo hành lang vành đai 3, vành đai 4 thuộc thành phố Hồ Chí Minh để phát triển các ngành công nghiệp chính; hành lang theo quốc lộ 13 từ thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước; hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, hành lang kinh tế Tây Ninh - Bình Dương; hành lang kết nối vùng dọc theo sông Đồng Nai… để tập trung giải quyết các dự án ưu tiên đầu tư và các dự án tạo động lực cho phát triển đô thị.
Ông Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam cho biết, vấn đề ngập lụt tại khu vực Cụm các đô thị vùng Đông Nam Bộ hết sức quan trọng, các đô thị cần phải tập trung giải quyết, để đi đến hoàn thiện đô thị thông minh. Xu hướng xây dựng đô thị hiện nay là tạo ra các khoảng rỗng, các vùng bán ngập, khi xảy ra vấn đề ngập thì có thể sử dụng để chứa nước.
Hiệp hội đô thị Việt Nam đã và đang học tập, theo dõi các mô hình xây dựng đô thị thông minh trên thế giới đang áp dụng hiện nay để đóng góp, áp dụng có hiệu quả vào việc xây dựng các đô thị tại Việt Nam. Hiệp hội đô thị Việt Nam cũng sẽ là cầu nối để tập hợp, gắn kết các đô thị, hỗ trợ thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, hướng tới mục tiêu xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.