Giải quyết các bất cập, đảm bảo sử dụng biển, không gian biển hiệu quả

Ngày 4/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chú thích ảnh
Tàu cá của ngư dân Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) ra khơi. Ảnh minh họa: Hoàng Nhị/TTXVN

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết: Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là quy hoạch đa ngành, được lập theo cách tiếp cận tổng hợp và dựa vào hệ sinh thái; phân bổ, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực; định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển và giải quyết các bất cập về sử dụng biển để từ đó cân bằng các nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhu cầu bảo vệ các hệ sinh thái biển...

 Quy hoạch được lập trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến biển và có sự điều chỉnh, xử lý đối với các mâu thuẫn, vùng chồng lấn về không gian biển theo nguyên tắc sắp xếp thứ tự ưu tiên, có xem xét tới tính đặc thù của các ngành. Quy hoạch có phạm vi bao gồm vùng đất ven biển là các đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Quy hoạch không gian biển hướng tới mục tiêu bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có phạm vi bao gồm vùng nước biển ven bờ có ranh giới phía ngoài cách bờ biển khoảng 6 hải lý và vùng đất ven biển là các xã, phường, thị trấn giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển. Tuy nhiên, để đảm bảo tính toàn vẹn của các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng và quan tâm đầy đủ đến sự tương tác mạnh giữa đất liền và biển, phạm vi không gian vùng bờ ở một số khu vực có thể được mở rộng hơn cả về phía đất liền và phía biển. Quy hoạch hướng tới mục tiêu tổng quát là quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng bờ.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ lập các quy hoạch không gian biển và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Đây là hai quy hoạch có nhiều yếu tố mới lần đầu tiên được thực hiện, do đó cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng lưu ý trong việc lựa chọn các đơn vị tư vấn và tham khảo ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học về các quy hoạch.

Hoàng Nam (TTXVN)
Quy hoạch không gian biển để xây dựng và phát triển kinh tế biển Việt Nam
Quy hoạch không gian biển để xây dựng và phát triển kinh tế biển Việt Nam

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển và tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản cũng như quy hoạch không gian biển là những vấn đề chính được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo khoa học: Những vấn đề chiến lược không gian biển trong xây dựng và phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN