Do đó, tập đoàn đã đưa ra chiến lược, động viên, khuyến khích các thành viên tiến hành trồng xen các loại cây khác trong vườn cao su, nâng cao hiệu quả kinh tế hơn nữa.
Nâng cao giá trị sử dụng đất
Nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao, từ năm 2016, tập đoàn đã khuyến khích và tạo hành lang cho một số công ty triển khai thí điểm. Một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, với dự án đầu tiên là trồng 117 ha chuối cấy mô hợp tác dưới mô hình liên doanh liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) với thương hiệu Chuối Dole - một thương hiệu nông sản nổi tiếng thế giới của Mỹ hiện nay quy mô dự kiến lên tới 1.331 ha.
Trong các năm tiếp theo, các công ty khác cũng thực hiện như: Phước Hòa, Đồng Phú, Bà Rịa, Bình Long. Song song với các mô hình nông trại, các công ty đã đề xuất vị trí, quy mô để chủ động trong việc thực hiện các khu nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Ông Lê Văn Vui - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long chia sẻ, theo chủ trương, định hướng chung của ngành, có nhiều mô hình kinh doanh được đưa ra; trong đó, mô hình nông nghiệp công nghệ cao được đánh giá mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là trồng xen trong vườn cao su. Với chiến lược chuyển đổi 20% diện tích sản xuất cao su của công ty sang các loại cây trồng khác như: chuối, cây dược liệu, cây có múi,…
Mục đích chuyển đổi là tạo giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích quản lý và tạo tăng trưởng hằng năm, doanh thu lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Mô hình trồng xen chuối với cao su giúp gia tăng giá trị lên từ 3 - 4 triệu đồng/ha/năm, nếu tốt hơn có thể tăng giá trị lên 5 triệu đồng/ha/năm.
Không riêng các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện trồng xen canh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích sản xuất, các đơn vị này còn thực hiện cho công nhân làm việc tại các nông trường thuê đất để gia tăng sản xuất, nâng cao thu nhập trên đất vườn cao su.
Điển hình như anh Vũ Đình Hùng, một công nhân làm việc tại nông trường Tân Lập (Công ty TNHH Một thành viên Cao su Mang Yang, Gia Lai), đã thuê 1 ha đất đang trồng cao su của nông trường Tân Lập để thực hiện trồng xen cà phê. Anh Hùng chia sẻ, với 1 ha đất thuê, anh trồng xen 800 cây cà phê. Với phương pháp chăm sóc tốt, sau 2 năm anh thu hoạch được 16 tấn, đúng thời điểm giá cà phê tăng thì anh thu lợi nhuận được 50 triệu đồng, tương đương với mức 25 triệu đồng/năm/ha.
Cây cao su khỏe hơn
Việc trồng xen các loại cây trồng khác trong vườn cao su không những làm gia tăng giá trị sử dụng đất, mà còn làm nền đất cao su có dinh dưỡng phong phú, nguồn nước tưới dồi dào, cây cao su phát triển tốt hơn so với chỉ trồng chuyên canh cao su.
Mười năm trước đây, khi giá cao su đạt đỉnh điểm 65 triệu đồng/tấn mủ thô, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chỉ chú trọng phát triển vườn cao su chuyên canh; trong đó, tuyển chọn các loại giống cao su cho mủ nhiều, chất lượng, chứ không chú trọng khai thác diện tích hiện có trong vườn cao su.
Cho đến khi giá mủ cao su xuống thấp, có giai đoạn 25 - 26 đồng/tấn mủ thô, tìm giải pháp gia tăng giá trị cho vườn cao su đã thúc đẩy cả tập đoàn và những hộ sản xuất cao su tìm cho mình hướng đi khác để ngành cao su có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn đó. Hiện nay, giải pháp trồng xen giúp cho ngành cao su mở ra hướng đi mới trong phát triển.
Ông Lê Văn Vui, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long cho biết, trồng xen cây khá vào vườn cao su giúp cho cây cao su khỏe hơn, tăng năng suất nhờ nhận nguồn nước tưới, phân bón ngấm vào đất khi chăm sóc các loại cây khác. Nhờ đó, cây cao su có thể tăng vanh (chu vi thân cây) lên 1 cm/năm, đối với những vườn cao su kiến thiết cơ bản (6 năm tuổi trở lại) so với chỉ trồng chuyên canh cây cao su.
Với tuổi thọ khai thác mủ từ 25 - 30 năm, khi cây cao su được chăm sóc tốt, nguồn mủ duy trì tốt nhờ nguồn nước, phân bón dồi dào của vườn trồng xen, tuổi thọ thanh lý vườn cũng có thê kéo dài hơn so với chỉ chuyên canh cây cao su. Vườn cao su thanh lí cũng được giá cao vì chất lượng gỗ tốt hơn.
Bên cạnh lợi nhuận mang lại từ 2 loại cây trồng xen trồng vườn cao su, cây cao su được chăm sóc tốt, sức cây phát triển mạnh, kéo dài tuổi thọ khai thác mủ, việc trồng xen cũng giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp và nông hộ giảm chi phí phòng chống cháy rừng. Theo ông Bùi Duy Đốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, trồng xen cao su với các loại cây khác giúp công ty giảm nhiều chi phí chăm sóc, bảo vệ vườn cao su như: chi phí cho việc chống cháy, không mất chi phí trồng thảm phủ giai đoạn kiến thiết cơ bản, giảm một phần chi phí phục hoang…
Như vậy, trồng xen nhiều loại cây vào vườn cao su đã thể hiện hết các lợi ích hiện có, bao gồm lợi nhuận, thu nhập và giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam khi đối diện với biến động thị trường hiện nay.