Với tính chất là một sản phẩm hàng hóa đặc thù, có tính thanh khoản cao; đồng thời cũng là tài sản cất trữ, nguồn vốn lưu thông, kênh đầu tư quan trọng của thị trường…, vàng có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc gia nói chung và của nước ta nói riêng.
Thời gian qua, các cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển thị trường vàng ở nước ta được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, không ngừng bổ sung và hoàn thiện. Qua đó, thị trường vàng cơ bản có sự phát triển ổn định, có những đóng góp hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường vàng của Việt Nam cũng còn những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau liên quan đến cơ chế, chính sách, tâm lý người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư… Từ đó khiến một lượng lớn kim loại quý hiếm này bị "đóng băng", chôn chặt trong két của người dân; không có sự liên thông, liên hoàn giữa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới; biên độ, sự chênh lệnh về giá vàng giao dịch trong nước và thế giới ở một số thời điểm là rất lớn. Nhiều hoạt động trong giao dịch của thị trường vàng còn méo mó; xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng vàng để trục lợi…
Vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của thị trường trong nước làm giá vàng biến động mạnh, tăng cao, khoảng cách chênh lệnh giữa giá vàng trong nước và thế giới lớn, có thể gây nên những rủi ro, tác động tiêu cực đến sự an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nền kinh tế và tâm lý xã hội… Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng với những yêu cầu, nhiệm vụ rất quyết liệt, đồng bộ và cụ thể đối với các bộ, ngành chức năng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: "Dứt khoát không để tình trạng 'vàng hóa' nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia".
Nhắc lại thời điểm năm 2012, vàng được coi như một phương tiện thanh toán, những quan hệ có giá trị lớn được quy thành vàng, nếu để tình trạng "vàng hóa nền kinh tế" như vậy sẽ gây nhiều hệ lụy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Nghị định đã phát huy tác dụng khá tốt, chúng ta đã chấn chỉnh được tình trạng dùng vàng làm công cụ giao dịch.
Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định rất chặt chẽ: Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Thực tế những năm qua, hầu như Nhà nước lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Mặc dù SJC và các vàng miếng khác có thể cùng chất lượng như nhau, nhưng đây là vàng thương hiệu quốc gia nên đương nhiên được tin cậy, tích lũy đảm bảo an toàn nhất nên người dân đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu vàng SJC. Trong khi cung không có mà cầu có thực, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng.
"Chúng ta không cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, dẫn đến tình trạng thế giới có thể tăng một chút thì trong nước tăng rất cao, có những thời kỳ tăng đến 20 triệu đồng một lượng. Điều này là rất phi lý", ông Hoàng Văn Cường phân tích.
Ông cũng cho rằng, có sự không bình đẳng giữa vàng miếng, có thể chất lượng cùng 9999 như nhau nhưng vàng tên SJC Nhà nước bảo hộ thì giá rất cao, các vàng khác không được bảo hộ giá sẽ thấp. Nguy hại không phải chỉ riêng cho người dân mà còn thiệt hại về mặt xã hội. Khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu vàng, thất thu thuế, không tạo ra một thị trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng.
Đứng trước tình trạng đó, trong tình hình hiện nay, theo vị Giáo sư này, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý, sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng. Có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân và cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế. Đây là thời điểm cần nhiều giải pháp căn cơ, thay đổi mạnh dạn để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cân nhắc mở rộng vấn đề bình đẳng hàng hóa vàng vật chất.
Từ góc độ Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, bây giờ vẫn duy trì việc độc quyền SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng, mà thực tế đã chứng minh. "Phải xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. Nếu chúng ta quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa", ông Hùng đề xuất.
Nêu một số biện pháp, chỉ đạo mang tính chất căn cơ trong Công điện 1426/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tiến sỹ Trần Thọ Đạt, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, Công điện được ban hành rất kịp thời để ổn định và phát triển thị trường vàng theo phương châm an toàn, lành mạnh, phát triển hiệu quả và bền vững. Theo ông, công điện của Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC là quá cao; và như các nhà kinh tế cũng như báo chí thường nói, giá vàng SJC hiện nay "một mình một chợ". Lúc giá vàng SJC lên đỉnh điểm 80 triệu đồng thì mức chênh lệch khoảng 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Đây là điều rất bất hợp lý.
Chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt nêu quan điểm, điều hành theo cơ chế thị trường, tức là cần phải làm cho cung - cầu gần nhau theo hướng không chênh lệch giữa giá vàng thế giới so với giá vàng trong nước. Nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải độc quyền vàng miếng SJC thì cần gia tăng Quỹ dự trữ vàng và sẵn sàng tăng cung vàng miếng khi giá vàng SJC cao hơn bất thường so với giá vàng thế giới để bình ổn giá.