Trong đó, các cơ quan thuế cần tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế từ các năm trước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; triển khai nhiều biện pháp chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành thuế năm 2019, số người nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công là khoảng 6,89 triệu người. Tổng số thu ngân sách Nhà nước từ nguồn thuế này đạt trên 79.219 tỷ đồng trong năm 2019.
Như vậy, với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh, số thu từ thuế thu nhập cá nhân sẽ giảm khoảng 10.300 tỷ đồng/năm, tương đương giảm 13% số thu ngân sách (tính riêng từ thuế thu nhập cá nhân năm gần nhất).
Theo cách tính mới, nếu nâng mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng và giảm trừ gia cảnh lên 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020, mọi đối tượng nộp thuế sẽ được giảm một phần tiền thuế. Trong số đó, mức độ giảm thuế của nhóm bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc cao.
Ví dụ, với người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng và có 1 người phụ thuộc đang có mức thu nhập tính thuế là 2,4 triệu đồng (trừ 9 triệu đồng giảm trừ bản thân và 3,6 triệu đồng cho người phụ thuộc), tương ứng số tiền thuế phải nộp là 120.000 đồng (0,8% thu nhập). Theo mức giảm từ gia cảnh mới, những người có mức thu nhập này sẽ không phải nộp thuế.
Đối với người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng và có 1 người phụ thuộc hiện phải nộp 490.000 đồng tiền thuế/tháng (2,5% thu nhập). Số tiền phải nộp tính theo giảm trừ gia cảnh mới sẽ là 230.000 đồng (1,2% thu nhập), giảm hơn 48%. Với các đối tượng có thu nhập cao hơn, mức nộp thuế cũng được giảm từ 3% - 7%.
Đối với đề xuất giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hỗ trợ thuế, phí... để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Đề cập vấn đề này, ông Phạm Đình Thi cho biết, Bộ Tài chính đang khẩn thương hoàn thiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp về thuế và phí để trình Chính phủ thông qua theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng trên cơ sở đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì phí và lệ phí nằm trong giá nên Chính phủ không thể cắt giảm giá, trong khi đó các chuyên gia kinh tế cho rằng: Nhiều khoản phí và lệ phí đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Nếu chờ Quốc hội xem xét cho miễn giảm thuế, phí thì không kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, rất cần giãn, hoãn cả thời gian nộp phí, những khoản thuế doanh nghiệp phải nộp trong kỳ quyết toán thuế của năm nay (ngày 31/1), đặc biệt là thuế giá trị gia tăng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế cho rằng, nên gia hạn thời gian kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế. Đối với những đơn vị phải nộp theo tháng, thời gian gia hạn nộp có thể là 60 ngày chứ không phải là 20 ngày của tháng sau, còn đơn vị nộp theo quý thì sau 2 quý chứ không phải chỉ 30 ngày như hiện nay.
“Bởi với số tiền thuế giá trị gia tăng được gia hạn, người nộp thuế sẽ tạm thời chiếm dụng tiền thuế đó trong lúc khó khăn này”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.
Cùng quan điểm này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng đề nghị, hết quý II/2020 mới nên thu các khoản thuế của những kỳ trước. Chẳng hạn như thuế giá trị giá tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tính phí làm sao cho hợp lý nhằm giúp doanh nghiệp có thể cân đối được bài toán về mặt tài chính.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lần này cũng như đề xuất giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thể hiện tinh thần hợp tác, đồng hành của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp và người nộp thuế.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, khi mức giảm trừ gia cảnh gia tăng thì mức thuế phải nộp giảm xuống. Do đó, thu nhập thực tế của người dân sẽ tăng lên, góp phần gia tăng chi tiêu để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.