Giá vàng và dầu đồng loạt sụt giảm; Chứng khoán Âu - Mỹ biến động nhẹ

Trong phiên giao dịch ngày 16/7, giá vàng thế giới biến động không nhiều trong bối cảnh nhu cầu đối với mặt hàng kim loại quý này tại các khu vực quan trọng khá thấp và kỳ vọng của các nhà đầu tư lãi suất ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng.

Tại New York (Mỹ), giá vàng giao ngay có thời điểm giảm 0,2% xuống 1.239,11 USD/ounce. Trong lúc giá vàng Mỹ giao tháng Tám khép phiên giảm 1,5 USD (0,1%)  xuống 1.239,70 USD/ounce.
Tỷ giá đồng USD giảm giúp giá vàng (thường được định giá bằng đồng USD) rẻ đi đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.

Chú thích ảnh
Giá vàng thế giới biến động không nhiều trong phiên giao dịch ngày 16/7. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng nhu cầu tiêu dùng kim loại quý này thấp tại các thị trường tiêu thụ hàng đầu ở châu Á, như Trung Quốc và Ấn Độ, và sự kỳ vọng Mỹ sẽ tăng tiếp lãi suất đã tạo áp lực lên giá vàng.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác tác động đến giá vàng, như nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong quý II/2018 khi Bắc Kinh nỗ lực cắt giảm nợ, và sản lượng công nghiệp tháng 6/2018 ở mức thấp nhất trong hai năm qua.

Trong khi đó, nhập khẩu vàng của Ấn Độ trong tháng 6/2018 giảm xuống 44 tấn, do đồng nội tệ rupee yếu đi làm giá mặt hàng này tăng lên mức cao nhất trong gần 21 tháng qua.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,1% xuống 15,77 USD/ounce. Trong khi giá bạch kim giảm 0,2% xuống 824,10 USD/ounce sau khi vào đầu phiên rơi xuống 914,75 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 9/4.

* Trong phiên ngày 16/7, giá dầu thế giới sụt giảm hơn 4%, trong đó giá dầu Brent chạm mức “đáy” của ba tháng khi các cảng của Libya mở cửa trở lại và giới giao dịch có thể chứng kiến nguồn cung của Nga và các nước sản xuất “vàng đen” khác tăng lên.

Tại New York cuối phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 3,49 USD (hay 4,63%) xuống 71,84 USD/thùng. Trong lúc giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,95 USD (4,15%) xuống 68,06 USD/thùng. Trong phiên này, giá dầu Brent đã có lúc rơi xuống 71,52 USD/thùng, mức thấp kể từ giữa tháng 4/2018.

Giá dầu giảm đã đảo lộn đà tăng ghi nhận được trong tuần trước do sự thiếu hụt nguồn cung ở Libya, cuộc đình công ở Na Uy và tình hình bất ổn tại Iraq.

Sản lượng dầu tại Libya vẫn đang trong trạng thái bấp bênh. Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) cho biết mặc dù các cảng tại nước này mở cửa trở lại, song sản lượng tại mỏ dầu Sharara của Libya dự kiến sẽ giảm ít nhất 160.000 thùng/ngày sau khi hai công nhân bị một nhóm vũ trang bắt cóc.

Tuần trước khi trả lời phỏng vấn của báo giới, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho hay nước này và các nhà sản xuất dầu khác có thể tăng sản lượng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày hoặc nhiều hơn con số đó, nếu thị trường thiếu hụt nguồn cung.

Những lo ngại về đà tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại cũng tác động đến giá dầu trong phiên ngày 16/7. Nền kinh tế này đã tăng trưởng với nhịp độ chậm hơn trong quý II giữa bối cảnh những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế nợ làm tổn thương đến các hoạt động khác, trong khi sản lượng công nghiệp tháng Sáu giảm xuống mức thấp của hai năm do cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ.

* Cùng ngày, các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ chuyển động trái chiều nhau giữa bối cảnh mùa báo cáo lợi nhuận bắt đầu với các báo cáo từ nhiều ngân hàng lớn.

Khép phiên này tại New York (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones tiến 0,2% lên 24.064,36 điểm, trong lúc chỉ số S&P 500 hạ 0,1% xuống 2.798,43 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 0,3% xuống 7.805,72 điểm.

Các nhà đầu tư hiện đang chờ đón việc các doanh nghiệp công bố báo cáo lợi nhuận, đồng thời nghe ngóng các thông tin kinh tế, bao gồm cả phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ, dự kiến bắt đầu diễn ra vào hôm nay 17/7.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà quan sát thị trường hy vọng một mùa lợi nhuận khởi sắc sẽ là chất xúc tác giúp các thị trường chứng khoán "thăng hoa" và xóa đi mọi lo ngại về nguy cơ cuộc chiến thương mại và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 tại London hạ 0,8% xuống 7.600,45 điểm. Trên sàn giao dịch Frankfurt (Đức), chỉ số DAX 30 tiến 0,2% lên đóng phiên ở mức 12.561,02 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) sụt giảm 0,4% xuống khép phiên ở mức 5.409,43 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này cũng sụt mất 0,1% và đóng phiên ở mức 3.452,38 điểm.

Giá cổ phiếu của Deutsche Bank tại Frankfurt phiên này tăng 7,2% sau khi lợi nhuận của ngân hàng lớn nhất nước Đức này trong quý II tăng vượt xa ước đoán của các nhà phân tích.

TTXVN/Báo Tin tức
Giá dầu châu Á giảm, khoảng 70 USD/thùng do nguồn cung có dấu hiệu phục hồi
Giá dầu châu Á giảm, khoảng 70 USD/thùng do nguồn cung có dấu hiệu phục hồi

Trong phiên giao dịch chiều 16/7, giá dầu trên thị trường châu Á giảm do những lo ngại về gián đoạn nguồn cung đã giảm bớt và các cảng của Libya đã tiếp tục nối lại hoạt động xuất khẩu dầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN