Lúc 15 giờ, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 82,3 - 84,3 (mua vào - bán ra) tăng 1,6 triệu đồng so với với giá mở cửa phiên sáng nay, đây là mức giá cao nhất của vàng miếng từ trước tới nay. Chênh lệch mua vào bán ra vẫn duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Còn tại công ty CP tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, vàng nhẫn 9999 giao dịch quanh mức 75,55 - 77,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) tăng khoảng 2 triệu đồng so với với giá mở cửa phiên sáng nay, cũng là mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch vàng nhẫn.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC giao dịch quanh mức 82 - 84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá vàng nhẫn tròn trơn giao dịch quanh mức 75,53 - 77,03 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Người mua vàng đầu tuần trước đến nay đã có lãi, đối với vàng SJC lãi khoảng 1,2 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 9999 lãi khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng phi mã cùng chiều với giá vàng thế giới. Lúc 15 giờ (giờ Việt Nam), giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.352,11 USD/Ounce. Giá vàng thế giới tăng 0.57% trong 24 giờ qua, tương ứng với tăng 13,26 USD/Ounce.
Quy đổi theo tỷ giá, 1 lượng vàng thế giới có giá 70.753.922 đồng. Giá vàng thế giới hiện thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 14 triệu đồng, và thấp hơn vàng nhẫn trong nước khoảng 7 triệu đồng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá vàng SJC và vàng nhẫn tại Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây là do tác động của việc giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục đắt nhất lịch sử. Thời điểm này, người dân có thể giữ vàng nhưng không nên quá ham "lướt sóng", bởi giá vàng thế giới lẫn trong nước đều đang ở mức đỉnh, rủi ro là khá lớn.