Một cửa hàng bán đồ trang sức vàng ở Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: AFP/TTXVN |
Tính tới gần 2 giờ chiều ngày 7/10 (giờ Việt Nam), tại thị trường Singapore, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 1.151,60 USD/ounce, sau khi có thời điểm “vọt” lên 1.152,90 USD/ounce, mức cao nhất kể từ phiên 24/9. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch vàng tại châu Á trong vài phiên gần đây diễn ra kém sôi động, do nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới là Trung Quốc nghỉ lễ quốc khánh.
Trong khi đó, giá bạc cũng ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp, dao động gần mức cao nhất ba tháng rưỡi qua là 16,08 USD/ounce.
Nguyên nhân chính hỗ trợ giá vàng trong phiên này là các số liệu tiêu cực mới từ kinh tế Mỹ. Báo cáo ngày 6/10 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại của nền kinh tế số 1 thế giới trong tháng 8/2015 là 48,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng trước đó và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức thâm hụt thương mại cao nhất của nước này trong vòng 5 tháng qua. Báo cáo trên nêu rõ xuất khẩu của Mỹ trong tháng 8 giảm 2% so với tháng Bảy, xuống còn 185,1 tỷ USD – mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012. Trong khi đó, nhập khẩu trong tháng 8 vừa qua lại tăng 1,2% so với tháng 7, lên 233,4 tỷ USD.
Thông tin đáng thất vọng trên cùng với số liệu ảm đạm về thị trường việc làm Mỹ tháng 9, vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố cuối tuần trước, đã khiến đồng USD mất giá và càng làm dấy lên đồn đoán về khả năng kế hoạch nâng lãi suất của Fed có thể phải lùi sang năm 2016.
Đồng bạc xanh suy yếu giúp vàng hưởng lợi do làm kim loại quý này trở nên rẻ hơn đối với những nhà đầu tư mua bán bằng các loại tiền tệ khác. Ngoài ra, kịch bản Fed trì hoãn nâng lãi suất cũng tạo cơ hội cho các tài sản vốn được coi là an toàn như vàng tăng giá, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn và kinh tế Trung Quốc vẫn có xu hướng giảm tốc. Cũng trong ngày 7/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ hai trong năm nay, do tác động của giá cả hàng hóa giảm và tình trạng bấp bênh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho hay dự trữ vàng của nước này tính tới cuối tháng Chín trị giá 61,2 tỷ USD, giảm so với mức 61,8 tỷ USD hồi cuối tháng 8.
* Vượt mức 50 USD/thùng, dầu tiếp tục đà tăngGiá dầu kỳ hạn tiếp tục đà tăng trong phiên giao dịch ngày 7/10 tại châu Á, sau khi kết thúc một tháng giao dịch ở mức dưới 50 USD/thùng phiên trước, nhờ dự báo cho thấy sự dồi dào về nguồn cung có thể giảm bớt.
Sau khi vượt mức 50 USD/thùng lần đầu tiên trong một tháng trong phiên trước, giá dầu Brent tăng 75 xu Mỹ lên 52,67 USD/thùng vào lúc 0619 GMT. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 1,04 USD/thùng lên 49,57 USD/thùng.
Viện Xăng dầu Mỹ cuối ngày 6/10 nói rằng dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 2/10 giảm 1,2 triệu thùng. Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn công bố ngày 6/10, EIA cho biết nhu cầu dầu toàn cầu năm 2016 ước tính tăng mạnh nhất trong sáu năm, khi nguồn cung từ các nước ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ổn định.
Sản lượng của Mỹ, sau khi tăng vọt trong những năm gần đây và khiến giá dầu giảm gần 50% kể từ tháng Sáu năm ngoái, cũng đang bắt đầu giảm. Trong khi đó, Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri nói tại một hội nghị ngành dầu mỏ tại London ngày 6/10 rằng thị trường đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, cho thấy nhóm này không thể thay đổi chiến lược bảo vệ thị phần.