Bên cạnh đó, số liệu thống kê về FDI tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay cũng cho thấy, trong số 22,94 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới, có tới 4,79 tỷ USD được thực hiện theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017.
"Đại gia" Thái Lan mua lại Sabeco là thương vụ cổ phần hóa DNNN lớn nhất trong 10 năm qua với giá trị đạt 5 tỷ USD. Ảnh: Chương Đài/TTXVN.
|
Tính chung trong 10 năm (từ 2009 đến nay), đã có trên 4.000 thương vụ M&A được thực hiện với tổng giá trị 48,8 tỷ USD. Hoạt động M&A đang thực sự trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, đồng thời là yếu tố quan trọng thúc đẩy tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp nói riêng.
Để được kết quả này, theo Bộ tưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng cải cách các thể chế chính sách để thu hút đầu tư và M&A. Cụ thể là hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã không ngừng được hoàn thiện, đáng chú ý là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và nhiều luật chuyên ngành khác, xác lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường M&A tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều năm qua Chính phủ Việt Nam cũng đã đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Tính tiêng trong 6 tháng đầu năm nay, 16 doanh nghiệp nhà nước đã IPO và bán gần 46% vốn điều lệ cho các cổ đông chiến lược với trị giá gần 22.500 tỷ đồng, gấp 4,5 lần trị giá từ IPO của cả năm 2017. Các bộ ngành, địa phương cũng bán vốn nhà nước tại 42 DN với giá trị 5.598 tỷ đồng.
Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm đạt trên 28.000 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2011-2015.
Các con số này cho thấy, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang đi vào thực chất, khác với trước đây là cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp, nhưng số vốn nhà nước bán ra lại không đáng kể. Đồng thời, yêu cầu đề cao chất lượng cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đang được đáp ứng tốt hơn.
Đây là một xu thế khách quan và tất yếu, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.