Chưa “hạ nhiệt”
Chị Kim Anh (Tam Trinh, quận Hoàng Mai) cho biết, sáng ngày 8/4, tại chợ Minh Khai, thịt lợn vẫn được các tiểu thương bán với giá 180.000 đồng/kg. Trước chất vấn của người mua về việc giá lợn hơi đã giảm, mà giá thịt lợn bán vẫn cao, các tiểu thương tại chợ cho biết: Do thực hiện việc giãn cách xã hội, nên xe chuyên chở thịt lợn và các dịch vụ vận tải đi kèm bị hạn chế hoạt động, khiến nguồn cung khan hiếm, vì vậy giá chưa giảm.
Một tiểu thương bán thịt lợn tại ngõ Lò Lợn, phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, nhiều lò mổ hiện đang đóng cửa, nên nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, khiến giá một số loại thịt lợn sáng 8/4 không những không giảm, mà thậm chí còn tăng so với ngày 7/4. Đơn cử như giá thịt lợn móc hàm là 110.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với ngày 7/4, thịt nạc vai và ba chỉ ngon 160.000 đồng/kg 160.000 đồng/kg, chân giò 150.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, mức giá này cũng đã giảm hơn so với các ngày 1 – 2/4.
Tại một số cửa hàng thực phẩm sạch ở phố Kim Mã Thượng, Nguyễn Du..., giá thịt lợn ngon các loại như thịt ba chỉ, vai, mông, sườn, thịt xay là 230.000 đồng/kg; mỡ khổ, xương cục 165.000 đồng/kg; dạ dày, lưỡi 265.000 đồng/kg; tim cật là 340.000 đồng/kg... Tất cả đều chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách Co.op Mart Hà Đông cho hay, so với trước thời điểm 1/4, giá một số loại thịt lợn đã giảm hơn. Nếu ngày 1/4, thịt ba chỉ được bán với giá 172.000 - 182.000 đồng/kg, thì hiện nay giá là 162.500 đồng/kg; sườn non hiện 177.000 đồng/kg, giảm 18.000 đồng/kg; nạc vai hiện 160.900 đồng/kg, giảm 10.100 đồng/kg... Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì giá thịt tại các siêu thị hiện nay vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối cho biết, mặc dù giá lợn hơi giảm xuống dưới 70.000 đồng/kg, nhưng lượng hàng không nhiều, nên khi nhập trực tiếp từ các cơ sở giết mổ cũng không được giá đó, đồng thời phải cộng thêm các chi phí khác, khiến giá thịt chưa thể giảm nhiều...
Nguyên do tại đâu?
Lý giải về việc giá thịt lợn vẫn cao, khi mới đây các doanh nghiệp lớn trong ngành Chăn nuôi lợn đều cam kết đồng loạt giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguyên nhân việc giá lợn quá cao trong thời gian qua là do chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Trước khi có dịch, cả nước mỗi quý cần tới 910.000 tấn, trong khi vừa qua mới đạt từ 820.000 - 830.000 tấn và phải đến quý 4 mới đạt được sản lượng như trước khi có dịch.
Dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 dẫn đến tổng thiệt hại đàn lợn 20% về số lượng, 9,3% về khối lượng. Đến tháng 10/2019, sau khi dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, Bộ NN&PTNT đã có chủ trương kết hợp cùng các địa phương tập trung cho tái đàn. Đến cuối tháng 3, số đầu lợn của nước ta là 24 triệu con, tăng được 6,3% về số đàn so với tháng 12/2019.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, vừa qua, 15 doanh nghiệp đồng hành với Bộ, cam kết từ ngày 1/4 đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg, nhưng vì số lượng lợn ở những doanh nghiệp cũng chưa đủ sức chi phối. Cùng với đó, các khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ đến phân phối sản phẩm đều nhỏ lẻ, nên người tiêu dùng chưa được thụ hưởng việc giá lợn xuống thấp như mong muốn.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung nhiều giải pháp, trong đó giải pháp gốc rễ là phải tập trung tái đàn, tăng đàn; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội cùng với nông dân tăng đàn nhanh nhất, nhưng phải đảm bảo an toàn.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các địa phương, để giảm bớt khâu trung gian giữa các khâu sản xuất đến chế biến, đưa gần hơn đến tay người tiêu dùng thì mới có thể giảm giá phù hợp.
Còn theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn đã ký cam kết giảm giá chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trong cả nước.
Bên cạnh đó, từ sản xuất đến tiêu dùng ở hầu hết hệ thống phân phối các mặt hàng, trong đó có thịt lợn, đều tồn tại khâu trung gian, khiến giá thịt lợn tăng dần theo các khâu của chuỗi cung ứng, đồng thời tăng qua các công đoạn giết mổ. Đơn cử như qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng, giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8 - 10%.
TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc kiểm soát giá cả, đặc biệt khâu phân phối là câu chuyện được đặt ra từ lâu. Đây là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn đặt ra là thịt lợn không nằm trong mặt hàng thuộc diện kiểm soát của Nhà nước, nên phần lớn trông chờ vào ý thức, sự tự nguyện của các doanh nghiệp cung cấp. Do đó, các Bộ, ngành cần có những giải pháp quản lý về giá, để không chỉ có sự chia sẻ về lợi ích của doanh nghiệp với người dân, mà còn là ổn định kinh tế vĩ mô.
Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, biện pháp kinh tế là quản lý mặt hàng thịt lợn dựa trên giá thành và giá bán ra, đánh vào thuế, chắc chắn các nhà sản xuất không tự tung tự tác được. Nếu để giá thịt lợn tăng cao sẽ ảnh hưởng tới đời sống của người dân, trực tiếp là những người có mức thu nhập thấp trong xã hội. Giải pháp nhập khẩu mạnh và gấp thịt lợn đông lạnh có nguồn gốc tốt là điều cần thiết cho thị trường. Đẩy mạnh yếu tố cạnh tranh, không “nâng đỡ” bằng việc hạn chế nhập khẩu để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.
“Về tổng thế chung, tốc độ tái đàn lợn quý I đạt 6,3%, nhưng riêng khu vực 15 doanh nghiệp sản xuất lớn đạt tốc độ lên tới 17%. Việc giữ được đàn lợn giống gốc, đàn lợn cụ kỵ, ông bà hiện nay là 109.000 con và còn xấp xỉ 2,7 triệu lợn nái, cộng thêm những yếu tố trong hệ sinh thái cho ngành chăn nuôi như hệ thống sản xuất 20 triệu tấn cám, thú y, dịch vụ… là những tiền đề tốt để đảm bảo tốc đô tăng trưởng nhanh. Dự báo cuối quý III, đầu quý IV, Việt Nam sẽ có được số lượng cao nhất bằng thời kỳ trước khi bị dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.