Giá thịt lợn chưa giảm như kỳ vọng
Một số chuyên gia thương mại cho rằng nhà nước cần kiểm soát lại khâu trung gian như: Lò giết mổ lợn và khâu phân phối bán lẻ, có như vậy thì thịt lợn đến tay người tiêu dùng mới được mua giá rẻ.
Theo chị Vũ Thanh Nga (chung cư Happy House, Khu đô thị Việt Hưng, Quận Long Biên, Hà Nội), giá thịt lợn tại chợ Kim Quang - Hà Nội được bán như sau: Thịt móng giò 110.000 đồng/kg; nạc thăn, nạc vai, thịt chân giò... giá 150.000 đồng/kg. Giá này không hạ so với trước ngày 1/4 - thời điểm 15 doanh nghiệp cam kết giảm giá thịt lợn hơi kể từ ngày 1/4. Một số tiểu thương tại chợ Kim Quang chia sẻ, giá thịt lấy buôn tại các lò mổ không hạ nên giá bán lẻ tới người tiêu dùng cũng không giảm.
Nhìn chung, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh ở trung tâm Hà Nội vẫn cao, dao động từ 140.000 - 170.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt lợn thăn, ba chỉ loại ngon được bán với giá 160.000 - 170.000 đồng/kg; thịt mông sấn 130.000 - 140.000 đồng/kg, sườn 160.000 đồng/kg, móng giò 110.000 đồng/kg...
Trước đó, ngày 1 - 2/4, giá thịt lợn tại chợ Hôm, Bắc Qua, Thanh Hà, Hàng Da tăng mạnh do người dân nhận được Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 1 - 15/4. Do vậy, chiều 1/4, giá thịt lợn được các tiểu thương đẩy lên mức bán 210.000 - 250.000 đồng/kg do khan hàng. Đến ngày 3/4, khảo sát tại các chợ trên, giá thịt lợn dần “hạ nhiệt”, dao động ở mức 160.000 - 180.000 đồng/kg và ngày 5/4 duy trì ở mức 160.000 đồng/kg.
Còn tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội ngày 5/4, giá thịt lợn nhìn chung không có đột biến so với ngày 4/4. Tại siêu thị Mega Market Hoàng Mai (Hà Nội), thịt ba chỉ có giá 166.900 đồng/kg, nạc đùi heo có giá 154.900 đồng/kg, thịt vai có giá 149.900 đồng/kg, sườn có giá 154.900 đồng/kg, nạc heo xay có giá 139.000 đồng/kg.
Siêu thị Vinmart duy trì giá thịt Meat Deli ổn định so với ngày 4/4 nhưng vẫn đứng ở mức cao, dao động quanh 149.900 - 236.900 đồng/kg. Cụ thể, thịt vai có giá 180.717 đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 236.900 đồng/kg, thịt xay có giá 149.900 đồng/kg, nạc vai có giá 199.900 đồng/kg... mức giá này không có biến động so với ngày hôm trước.
Cần giảm chi phí khâu trung gian
Mặc dù từ ngày 1/4, hàng loạt các doanh nghiệp CP Việt Nam, Dabaco, GreenFarm... đều giảm giá thịt lợn hơi xuất chuồng xuống còn 70.000 đồng/kg nhưng chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội) cho rằng: Bài toán để giảm giá thịt lợn cần có cuộc cách mạng ở khâu phân phối bán lẻ thay vì dừng ở khâu sản xuất.
“Lực lượng chức năng cần giám sát, cắt giảm khâu trung gian giết mổ, phân phối bán lẻ thì giá lợn hơi mới có thể giảm về mức lý tưởng 45.000 - 50.000 đồng/kg, từ đó giá bán lẻ mới giảm”, ông Vũ Vinh Phú nói.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, lâu nay Việt Nam vẫn tập trung giảm giá thịt lợn ở khâu nguồn cung, song dường như còn bỏ ngỏ khâu phân phối, bán lẻ. Từ trang trại chăn nuôi đến bán lẻ giá tăng 40 - 60%, bao gồm thương lái công ty liên kết, lò mổ, bán lẻ; hưởng chi phí mỗi công đoạn 10 - 15%, riêng khâu bán lẻ còn hưởng có thể cao hơn, thực tế một số mặt hàng gửi bán vào siêu thị có lúc bị ép chiết khấu lên đến 20 - 30%.
“Doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá lợn là tốt nhưng cần phải tổ chức tốt hệ thống phân phối, giảm xuống 70.000 đồng/kg nhưng cộng thêm 40 - 50% chi phí khâu trung gian, chắc chắn giá thịt lợn sẽ không giảm như mong đợi”, nguyên lãnh đạo Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định.
Theo các chuyên gia thương mại, từ trước đến nay, ngành chăn nuôi lợn vẫn chưa thể thiết lập được theo mô hình liên kết tam giác (tức là từ trang trại - lò giết mổ - bán lẻ). Thậm chí, xuất hiện tình trạng một số trang trại chăn nuôi lớn có số lượng áp đảo về số đầu lợn đã có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá, họ còn có những hành động biểu hiện của sự tiếp tay cho thương lái và các công ty liên kết của họ, việc làm này đã tạo thêm những chi phí trung gian góp phần đẩy giá lên ở thị trường bán lẻ.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Vấn đề ở khâu giết mổ là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Song để giảm giá thịt lợn thì hai Bộ này cần phải kết nối, phối hợp với nhau. Bộ NN-PTNT giám sát khâu giết mổ, Bộ Công Thương giám sát khâu phân phối bán lẻ. Từ đó mới thiết lập được cầu: Từ trang trại đến khâu giết mổ, bán lẻ, bớt khâu thương lái, bán buôn. Riêng ở khâu giết mổ, Nhà nước có thể bỏ vốn đầu tư ban đầu để xây dựng các cơ sở giết mổ hiện đại, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp, điều này vừa giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như bớt được khâu trung gian, có thể liên kết từ đơn vị chăn nuôi - giết mổ - bán lẻ.
Chia sẻ xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn ký cam kết giảm giá chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước. Như vậy, khoảng trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước.
Ngoài ra, theo đại diện Bộ Công Thương, qua trao đổi, một số thương nhân mua lợn thịt của công ty chăn nuôi lớn cho biết bên cạnh giá mua 70.000 đồng/kg lợn hơi thì người mua phải trả thêm chi phí ngoài hóa đơn khoảng 10% (7.000 - 8.000 đồng/kg). Phần chi phí chênh này cũng khiến giá lợn hơi trên thị trường ở mức cao.
Đồng thời, với việc thực hiện giãn cách xã hội, một bộ phận người tiêu dùng đã mua tích trữ thực phẩm trong đó có thịt lợn để hạn chế số lần đi chợ hoặc đề phòng trường hợp bị cách ly. Do vậy, giá thịt lợn đã tăng cục bộ tại một số nơi.
Trước câu hỏi phải chăng khâu trung gian cố tình giữ giá thịt lợn ở mức cao để tăng lợi nhuận chính là yếu tố cơ bản khiến giá thịt lợn “neo” ở mức cao, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, từ sản xuất đến tiêu dùng ở hầu hết hệ thống phân phối các mặt hàng trong đó có mặt hàng thịt lợn đều tồn tại khâu trung gian.
Đối với mặt hàng thịt lợn, khâu trung gian có phần phức tạp hơn. Lý do là mặt hàng thịt lợn cần qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù trước khi đến tay người tiêu dùng; đồng thời ở Việt Nam tồn tại hệ thống lò giết mổ nhỏ lẻ, phân tán để cung cấp lợn thịt cho các chợ dân sinh.
Giá thịt lợn tăng dần theo 2 đường chính gồm: Chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng, giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo) do mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương. Theo đó, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá lợn hơi từ 70.000 đồng/kg sẽ tăng lên khoảng 90.000-100.000 đồng/kg.
Từ 100 kg lợn hơi chỉ thu được 55 kg thịt lợn ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Từ giá thành 70.000 đồng/kg lợn hơi, sau khi giết mổ thì chi phí 1 kg thịt lợn thành phẩm (cả nạc và mỡ) sẽ thành 127.000 đồng/kg (không bao gồm chi phí tại các khâu trong chuỗi cung ứng). “Như vậy, giá thịt lợn qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện nay theo đúng theo cơ chế thị trường và không phải do khâu trung gian đẩy giá lên cao”, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thời gian tới, để tiếp tục hạ thấp giá thịt lợn, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho rằng, giải pháp căn cơ là phải đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu thông qua thực hiện song song tái đàn theo hướng bền vững và nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm; đồng thời thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi và lò mổ nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung.