Ghi nhận ngày 13/11, giá các mặt hàng thịt lợn đang có chiều hướng đi xuống tại thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... Hiện giá thịt lợn hơi tại các tỉnh này đang ở mức giá 70.000 - 73.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 9, giảm 20% so với thời điểm tháng 6.
Trong khi đó, ghi nhận tại các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh, giá thịt lợn cũng được điều chỉnh giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt lợn nạc dăm dao động ở mức 95.000 - 105.000 đồng/kg, thịt nạc vai giá 95.000 - 100.000 đồng/kg, thịt lợn ba rọi rút xương dao động ở mức 150.000 - 170.000đồng/kg,...
Theo công ty VISSAN, để đồng hành cùng người dân chống dịch và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong mùa dịch bệnh, đơn vị cũng áp dụng giảm giá 10-15% các mặt hàng thịt lợn tại các hệ thống phân phối hiện đại. Ngoài ra, gần đây sản lượng lợn giết mổ cũng như lượng thịt lợn bán ra thị trường của Vissan đang giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, mỗi ngày Vissan giết mổ 650-700 con lợn để cung ứng cho thị trường.
Theo đại diện Công ty VISSAN, giá thịt lợn đang giảm là do dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 khiến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh, kéo theo giá thịt lợn hơi tăng rất cao, giá thịt lợn thành phẩm bán về các chợ lẻ trên thị trường cũng tăng cao. Đồng thời, do tác động của dịch COVID-19 nên người dân thắt chặt chi tiêu, làm giảm sức mua. Trong khi đó, nguồn cung thịt lợn nhập khẩu đang tăng cao nên giá thịt lợn đã được kéo giảm so với những tháng trước.
Tuy nhiên, xác định những tháng cuối năm là tháng cao điểm mua sắm thịt lợn nên công ty VISSAN chuẩn bị nguồn cung thịt lợn bình ổn dồi dào để phục vụ người tiêu dùng. Trong tháng cận Tết Tân Sửu 2021, theo kế hoạch đơn vị sẽ cung ứng ra thị trường gấp đôi số lượng lợn/ngày so với ngày thường là 650-700 con lợn/ngày.
Tương tự, theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, dịch COVID-19, thiên tai, bão lụt, dịch dịch tả lợn châu Phi dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong các tháng cuối năm... đã tác động mạnh đến nền kinh tế, nhất là ngành sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm... làm nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã và đang tăng giá tại TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, do mưa lũ kéo dài, giá nhiều loại rau, củ quả tăng phổ biến từ 13 - 33% như cải thảo, cải bó xôi, bắp cải, xà lách, khoai tây, khổ qua, cà tím, bầu, bông cải xanh Đà Lạt, củ cải trắng, dưa leo…Đặc biệt, có mặt hàng tăng cao như: khoai tây, cải bẹ xanh tăng từ 41 - 50%, trong khi mặt hàng cà chua, đậu Hà Lan, bí đao, chanh giấy miền tây, đậu côve... lại đang giảm 6 - 25% so tháng trước.
Đối với mặt hàng gạo, mặc dù giá lúa, gạo trên thị trường tăng từ tháng 3 tới nay nhưng các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường vẫn giữ giá bán và mới điều chỉnh tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg (13-15%) kể từ ngày 12/9, bảo đảm thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 12- 13%. Đối với các mặt hàng thịt gia cầm, giá cả cũng tiếp tục ổn định, như thịt gà ta 84.000đồng/kg, thịt gà thả vườn 62.000đồng/kg, thịt vịt 62.000đồng/kg, thịt gà công nghiệp nguyên con 39.000đồng/kg. Giá bán mặt hàng trứng gia cầm tham gia Chương trình bình ổn thị trường ổn định, ở mức 26.000đồng/chục trứng gà loại 1 và 31.000đồng/chục trứng vịt loại 1.
Để ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Tân Sửu 2021 sắp tới, TP Hồ Chí Minh đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết cho 2 tháng Tết là 19.679 tỷ đồng, tăng 652 tỷ đồng (3,4%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020 (19.027 tỷ đồng). Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp đơn vị có liên quan để triển khai nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cung ứng cân đối cung – cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán; kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.