Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa CRU (trụ sở tại Anh), giá ure hiện vẫn duy trì ở mức thấp và có thể chạm mức sàn trong tháng 12 này. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Ấn Độ sẽ tăng tháng 1/2024 và đây sẽ là yếu tố giúp giá ure đảo chiều tăng nhẹ. Đặc biệt, trong quý I/2023, giá ure thế giới sẽ xác định rõ hơn xu hướng tăng khi các nhà nhập khẩu bắt đầu đặt đơn mua phân bón cũng như có thông tin đầy đủ hơn về giá nông sản thế giới.
Theo đó, nhu cầu phân bón tăng lên có thể kích hoạt sự phục hồi của giá ure từ tháng 1 trở đi. Giá ure ở Ai Cập được dự báo ở mức 340 USD/tấn FOB (giá FOB là giá đã bao gồm chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) trong tháng 12 nhưng dự kiến sẽ tăng mạnh hơn ở mức 380 USD/tấn vào tháng 2.
Giá urê dạng hạt tại New Orleans, Mỹ (cảng NOLA) đã tăng lên mức 325 USD/tấn FOB khi mở cửa tháng 12, nhưng áp lực giảm giá đối với các loại nitơ khác của Mỹ cũng sớm theo sau. Nhìn chung, các sự kiện diễn ra trong tuần trước cho thấy urê dạng hạt giảm theo mùa vào đầu quý 1, nhưng giá lại cao hơn trước đợt tăng giá mùa xuân trong Quý II.
NOLA được dự báo ở mức 305 USD/tấn trong tháng 12 nhưng sẽ tăng dần lên trong quý I/2024 và đạt mức khoảng 380 USD/tấn vào tháng 4.
Tại Trung Quốc, tổng lượng xuất khẩu phân ure trong quý 1 năm 2024 chỉ được dự báo đạt 305.000 tấn với mức giá ở mức 340 USD/tấn.
Bên cạnh ure, giá phân UAN dự kiến sẽ tăng từ tháng 12 đến tháng 4 khi nông dân có nhu cầu cao loại phân này cho vụ xuân.
Giá phân bón tổng hợp DAP và MAP được dự báo sẽ cao hơn dự kiến trước đây – mặc dù có mức độ biến động lớn hơn trong những tháng đầu năm 2024 do lệnh hạn chế xuất khẩu mới nhất của Trung Quốc dự kiến kéo dài đến tháng 4 sau khi kết thúc vụ mùa xuân trong nước.
Tương tự như vậy, dự báo của Hiệp hội phân bón quốc tế (IFA) với khoảng 480 thành viên đến từ hơn 80 nước trên thế giới cũng cho thấy giá phân ure thế giới sẽ tăng trong quý I/2024 do quốc gia sản xuất ure lớn thứ hai thế giới là Nga (chiếm 14% thị trường xuất khẩu toàn cầu) tiếp tục chính sách áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón đến tháng 5/2024 để bảo vệ thị trường nội địa. Cùng đó, sản xuất ure ở EU dự kiến vẫn sẽ ở mức thấp do giá thành sản xuất ure ở khu vực này cao hơn nhiều so với chi phí nhập khẩu ure từ Ai Cập. Trong khi đó, Chính phủ Ai Cập quyết định kéo dài vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn cung ure toàn cầu. Với các yếu tố chủ chốt này, giá ure thế giới dự kiến sẽ tăng trong quý I/2024.
Với việc thị trường phân bón Việt Nam đã liên thông mật thiết với thị trường thế giới nhiều năm nay, giá phân bón trong nước được dự báo biến động tương quan với giá phân bón thế giới.
Theo các chuyên gia phân bón, do vụ Đông Xuân năm nay bắt đầu chậm hơn các năm trước đây nên nhu cầu phân bón, nhất là phân ure sẽ tăng cao trong quý I/2024 khi bước vào chính vụ. Vì vậy, đây sẽ là yếu tố khiến giá phân ure ở trong nước có thể tăng.
Bên cạnh đó, trong tháng 12 này, lượng phân bón nhập khẩu dự kiến chỉ đạt 10 nghìn tấn, giảm 20 nghìn tấn so với nhập khẩu tháng 11. Trong khi đó, sản xuất phân bón trong nước tháng 12 ước đạt 200 nghìn tấn, giảm 10 nghìn tấn so với tháng 11. Vì vậy, tồn kho phân bón cho tháng 1/2024 cũng không nhiều nên đây cũng là yếu tố có thể khiến giá phân ure có thể tăng khi nhu cầu phân bón tăng.
Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, với nguồn cung ure ổn định từ 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn tại Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM), CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM), Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, nhu cầu phân ure cho sản xuất nông nghiệp cao điểm vụ Đông Xuân 2023-2024 sẽ được đáp ứng hoàn toàn và giá phân bón có thể biến động theo giá thế giới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Ngoài ra, cả 4 doanh nghiệp nhà nước sản xuất phân đạm ure chủ lực của Việt Nam đều triệt để áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh từ áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, linh hoạt chính sách bán hàng và phân phối để đảm bảo giá bán phân bón đến với nông dân tốt nhất, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu giá rẻ. Vì vậy giá phân bón trong nước cũng có cơ sở để duy trì ở mức giá hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân, hỗ trợ nông nghiệp phát triển.