Giá mít Thái tăng một phần do vào cuối vụ nên số lượng mít tươi cung ứng ra thị trường giảm. Cùng với đó, các cửa khẩu phía Bắc đã thông thương trở lại nên nhu cầu xuất khẩu mặt hàng trái mít Thái tươi có chiều hướng tăng.
Anh Phạm Văn Toàn ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết, để có 1 kg mít Thái phải chi phí phân, thuốc, nhân công, giống ban đầu…với giá thành từ 5.000-6.000 đồng/kg. Với giá hiện nay 20.000 đồng/kg mít loại 1, còn mít loại 2 từ 10.000-15.000 đồng/kg, thì người trồng mít Thái lãi từ 4.000-10.000 đồng/kg.
Anh Toàn cho biết thêm, từ đầu năm 2022 do giá mít xuống thấp còn từ 4.000-5.000 đồng/kg, nhiều hộ lỗ vì giá phân bón, công chăm sóc cao nên nhiều hộ loại bỏ trái non, để chăm sóc cây phát triển. Từ đó, số lượng mít trái hiện nay để có cung cấp thị trường giảm khoảng hơn 30% so cùng kỳ.
Theo anh Nguyễn Thành Dũng, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, đầu năm nhiều hộ đốn bỏ hoặc tỉa thưa mít Thái để trồng giống cây ăn trái khác; một số hộ bán mít lá với giá từ 50.000-60.000 đồng/gốc và người mua lấy trái trong vòng 2 năm trả lại cho chủ. Anh Dũng mua hơn 5.000 m2, mỗi gốc mít Thái của nhà vườn tại xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình đang cho trái và anh đã thu hoạch được 1 năm. Mỗi gốc cho 4 trái trong vòng 2 năm và mỗi trái 10 kg, sau khi trừ chi phí anh lãi mỗi gốc mít Thái hơn 200.000 đồng.
Anh Nguyễn Văn Út ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười cho biết, người trồng mít ở địa phương anh cần có sự liên kết, bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất. Hiện nay, người trồng mít Thái chỉ trông chờ thương lái đến tận vườn mua và họ tự quyết định giá và thu mua kén chọn, mua không ổn định.
Đỉnh Đồng Tháp hơn 3.000 ha mít Thái; trong đó, trồng nhiều nhất là huyện Tháp Mười, Thanh Bình, Cao Lãnh và huyện Châu Thành. Sau 2 năm trồng, mít cho thu hoạch, bình quân mỗi cây mít Thái cho từ 2-3 quả, mỗi quả nặng hơn 10 kg.