Chỉ số giá lương thực của FAO - thước đo những thay đổi hằng tháng đối với các mặt hàng ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, thịt và đường - trong tháng 4/2020 đạt 165,5 điểm, giảm 3,4% so với tháng 3 trước đó.
Chỉ số giá đường tháng 4 vừa qua thậm chí giảm xuống mức thấp chưa từng có trong 13 năm trở lại đây, khi giảm tới 14,6% so với tháng 3. Không chỉ mặt hàng đường ăn, cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng làm giảm nhu cầu mía nguyên liệu dùng để sản xuất ethanol, đồng thời tác động tiêu cực tới nhu cầu dầu mỏ và thậm chí có thời điểm đẩy giá "vàng đen" trong phiên giao dịch ngày 20/4 rớt xuống mức thấp kỷ lục âm 37,63 USD/thùng.
Cùng chung số phận, chỉ số giá rau xanh giảm 5,2% do tác động từ việc giảm giá trị dầu cọ, dầu đậu nành và dầu cải dầu. Trong khi đó, chỉ số giá sữa và các chế phẩm từ sữa mất đi 3,6% giá trị.
Chỉ số giá thịt giảm 2,7%, với việc phục hồi phần nào trong nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc không làm cân bằng được đà sụt giảm các đơn hàng nhập khẩu thịt ở những nơi khác.
FAO cho biết thêm các quốc gia sản xuất lớn đang đối diện tình trạng đình trệ hoạt động logistic trong khi các lệnh phong tỏa tại nhiều nước và vùng lãnh thổ nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan đại dịch COVID-19 lại khiến lượng hàng bán ra sụt giảm mạnh.
Khác với thực trạng giảm mạnh của các chỉ số giá nói trên, chỉ số giá ngũ cốc chỉ giảm ở mức nhẹ do giá lúa mì và gạo tăng đáng kể (lần lượt 2,5% và 7,2%) trong khi giá ngô giảm sâu (10%).
FAO đã giữ nguyên dự báo sản lượng ngũ cốc ổn định ở mức cao 2,720 tỷ tấn trong năm 2019, song giảm dự báo nhu cầu sử dụng mặt hàng này trong năm 2019-2020 khoảng 24,7 triệu tấn, chủ yếu do tác động của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế.
Tổ chức này cũng công bố những dự báo đầu tiên về nguồn cung và nhu cầu lúa mì toàn cầu trong mùa tiếp thị 2020-2021, với sản lượng trên toàn thế giới ước đạt ở mức 762,6 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng ổn định.