Giá lợn tại Thanh Hoá giảm khiến người chăn nuôi gặp khó

Tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều tuần qua giá bán lợn thịt liên tục giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, mỗi con lợn thịt bán ra lỗ hơn 800.000 đồng khiến người chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn. Để hạn chế thua lỗ, nhiều hộ dân và các trang trại lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh đã thay đổi khẩu phần ăn nhằm duy trì đàn, cầm cự để chờ giá lợn tăng trở lại.

Chú thích ảnh
Nhiều tuần qua giá bán lợn thịt tại Thanh Hóa liên tục giảm. 

Trang trại chăn nuôi lợn của anh Lê Ngọc Thọ, ở thôn Hoàng Học, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn hiện đang nuôi 20 con lợn thịt, 10 con lợn con và 2 con lợn nái. Dù đàn lợn thịt của anh Thọ đã đến kỳ xuất bán nhưng do giá bán lợn giảm nên anh phải nuôi cầm chừng chờ giá lên. Bởi nếu bán lợn thời điểm này sẽ bị lỗ vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, từ cuối năm ngoái tới nay do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao nên gia đình anh Thọ phải tận dụng những loại rau như chuối, bèo, cám gạo, hèm chua và các loại phụ phẩm nông nghiệp làm thành phần chính trong bữa ăn của đàn lợn, nhằm giảm chi phí chăn nuôi. Hiện tại, cuộc sống gia đình đang khó khăn khi thu nhập từ chăn nuôi lợn bị giảm.

Cùng chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Công Hùng ở thôn Học Thượng, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn cho biết: "Gia đình đang nuôi hơn 300 lợn nái sinh sản. Một tháng xuất bán từ 700-800 con lợn thịt với giá bán 48.000đồng/kg. Trong khi đó, nếu nuôi một con lợn hơi đạt đến lúc xuất chuồng phải chi phí 56.000 đồng/kg. Vì vậy, gia đình đang nuôi cầm chừng, bởi nếu bán lợn thời điểm này sẽ lỗ 800.000 đồng/con lợn”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, trước biến động về giá thức ăn, chi phí đầu vào tăng cao, Sở cũng đã khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng tái đàn, cần tăng cường chuyển đổi sang chăn nuôi an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm thịt lợn đạt chất lượng cao. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch lợn tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, theo dõi tình hình cung ứng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để có khuyến cáo và định hướng phù hợp cho người chăn nuôi.

Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa có số đàn lợn đứng thứ 3 cả nước. Để ứng phó với những biến động do giá lợn xuống thấp, Chi cục đã ra khuyến cáo các trang trại, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không nên giảm đàn ồ ạt, nhất là đàn lợn nái, khiến nguồn cung con giống bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không đủ giống để bổ sung, tái đàn.

Cùng với đó, phải tập trung phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn lợn phòng các bệnh dịch tả châu Phi, tai xanh, để không bị thiệt hại kép do giá thấp và do dịch bệnh bùng phát. Về lâu dài, để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, các nông hộ, gia trại, trang trại cần tuyên truyền khuyến khích thành lập các tổ hợp tác và liên kết trong sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ, đồng thời khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, chế biến, giúp người dân phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

Tin, ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)
Giá lợn hơi thấp, người chăn nuôi khó duy trì sản xuất
Giá lợn hơi thấp, người chăn nuôi khó duy trì sản xuất

Giá lợn hơi tiếp tục duy trì ở mức thấp, chỉ xung quanh giá 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang thua lỗ nặng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN