Giá dầu mỏ, vàng và chứng khoán đồng loạt đảo chiều sụt giảm

Giá dầu thế giới ngày 21/4 đã quay đầu sụt giảm do giới kinh doanh đẩy mạnh hoạt động chốt lời sau phiên tăng giá mạnh 4% ngày 20/4 của "vàng đen" trước thông tin sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ sụt giảm.

Ảnh minh họa.

Chốt phiên giao dịch trên sàn New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2016 giảm 1 USD xuống 43,18 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 1,27 USD xuống 44,53 USD/thùng.

Chuyên gia Jasper Lawler thuộc Tập đoàn thương mại CMC Markets cho biết giá dầu thô đảo chiều sụt giảm so với mức "đỉnh" của năm nay đạt được hôm 20/4 vừa qua (giá dầu WTI giao tháng 5/2016 tăng 1,55 USD lên 42,63 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2016 tăng tới 1,77 USD lên 45,80 USD/thùng). Theo ông Lawler, việc sụt giảm này diễn ra sau khi Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iraq Fayyad Al-Nima thông báo các quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp trở lại vào tháng 5/2016. Bên cạnh đó, giá dầu còn chịu tác động từ việc báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ thấp hơn so với dự kiến đã khiến giới kinh doanh đẩy mạnh hoạt động chốt lời. Chuyên gia này cũng cho rằng cơ hội để các nhà sản xuất dầu thô chủ chốt có thể đạt được thỏa thuận "đóng băng" sản lượng khai thác trong cuộc họp vào tháng 5 tới nhằm hạn chế sản lượng, vực dậy giá dầu, dường như rất "mong manh".

*Tương tự diễn biến giá dầu mỏ, giá vàng thế giới ngày 21/4 cũng quay đầu sụt giảm sau khi vọt lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần.

Chốt phiên giao dịch trên sàn COMEX (Mỹ), giá vàng giao tháng 4/2016 giảm 4,1 USD (0,3%) xuống 1.249 USD/ounce. Vào đầu phiên, giá vàng giao ngay đã có thời điểm vọt lên 1.270,10 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 5 tuần. Cùng phiên, giá bạc cũng đã có thời điểm vọt lên 17,70 USD/ounce, mức cao nhất trong 11 tháng qua.

Đồng tiền chung châu Âu euro đã tăng 1% so với đồng USD, sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi khẳng định các chính sách của ngân hàng này là nhằm kích thích đà phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đồng euro đã không duy trì được đà tăng sau đó, do vậy kéo lùi đà đi lên của giá vàng.

*Cùng ngày, không khí ảm đạm cũng bao trùm thị trường chứng khoán Âu - Mỹ khi các mã cổ phiếu đồng loạt sụt giảm trong bối cảnh giá dầu hạ và giới đầu tư đón nhận một loạt báo cáo lợi nhuận trái chiều từ khối doanh nghiệp Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch tại thị trường Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 113,75 điểm (0,63%), xuống 17.982,52 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 10,92 điểm (0,52%), xuống 2.091,48 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 2,24 điểm (0,05%), xuống 4.945,89 điểm.

Tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,7%, xuống 6.363,90 điểm. Tại Paris, chỉ số CAC 40 mất 0,7%, xuống 4.557,90 điểm, còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 giảm 0,6%, xuống 10.357 điểm.

TTXVN/Tin Tức
Khi dầu mỏ bị chính trị hóa
Khi dầu mỏ bị chính trị hóa

Hy vọng về một thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu mỏ đã tan biến, khi các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới không thể dẹp bỏ bất đồng tại cuộc gặp ở Doha/Qatar cuối tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN