Giá dầu chấm dứt chuỗi 4 ngày giảm liên tiếp

Thị trường dầu thế giới đã chấm dứt chuỗi 4 ngày giảm giá liên tiếp trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu của Kuwait giảm mạnh do ảnh hưởng từ cuộc bãi công của nhân công ngành dầu khí nước này, qua đó “thắp” lên tia hy vọng cho thị trường về việc tình trạng dư cung dai dẳng sẽ được xoa dịu.

Ảnh minh họa: AP

Khép lại phiên giao dịch 19/4, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5 tăng 1,3 USD (3,3%) lên 41,08 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6 chốt phiên ở mức 44,03 USD/thùng, tăng 1,12 USD (2,6%) so với phiên trước đó.

Thị trường dầu trong phiên này còn được hưởng lợi từ việc đồng USD yếu đi sau khi Mỹ công bố số liệu xây dựng nhà ở kém khả quan, đã giúp giá hàng hóa, trong đó có “vàng đen”, định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với người mua.
Cuộc bãi công của công nhân ngành dầu khí Kuwait – nước thành viên lớn thứ tư của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – tính đến ngày 19/4 đã bước sang ngày thứ ba. Bob Yawger thuộc Mizuho Securities cho biết thị trường hiện còn đang đồn đoán tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất trong 10 ngày.

Hiện thị trường còn đang dõi theo báo cáo dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ, dự kiến được công bố vào hôm nay (20/4), nhằm tìm kiếm thêm manh mối đầu tư.

Thị trường kim loại quý khởi sắc

Giá các kim loại quý thế giới đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch ngày 19/4, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu sau khi kinh tế Mỹ phát đi tín hiệu kém lạc quan.

Cụ thể, tính tới 1 giờ 50 phút sáng ngày 20/4 (giờ Việt Nam), giá vàng tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ) tăng 1,8%, lên 1.252,77 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức cao nhất một tuần qua là 1.256,80 USD/ounce.

Giá bạc cũng cộng thêm tới 5,2%, lên tới 17,07 USD/ounce, trước khi lùi về 16,92 USD/ounce, tăng 4,3% so với phiên trước đó. Trong khi giá bạch kim cũng tiến 4,1%, leo lên mức cao nhất kể từ ngày 23/10 là 1.015,70 USD/ounce. Còn giá palladium tăng 2,5%, lên 579 USD/ounce.

Nhân tố chủ chốt hậu thuẫn cho giá kim loại quý trong phiên này là sự suy yếu của đồng bạc xanh, sau khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho hay lượng nhà mới khởi công tại nước này trong tháng 3 giảm mạnh hơn dự kiến, còn lượng đơn cấp phép xây nhà trong cùng kỳ cũng chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua. Các số liệu đáng thất vọng này cho thấy thị trường nhà đất Mỹ đang có dấu hiệu nguội lạnh, hòa cùng xu hướng giảm tốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý I vừa qua. Theo đó, đồng USD tiếp tục nối dài đà giảm và mất 0,6% giá trị so với rổ các đồng tiền chủ chốt. Trong vài tuần gần đây, đồng nội tệ Mỹ đã liên tục rơi xuống các mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015.

Chuyên gia phân tích Jonathan Butler từ Mitsubishi Corp cho rằng, đà tăng của giá vàng có thể sẽ chững lại trong quý II/2016, khi tỷ giá đồng USD ổn định hơn trước nhiều đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất trong nửa cuối năm nay.

Trước đó, ngày 18/4, Chủ tịch FED bang New York, William Dudley, cho rằng các điều kiện kinh tế Mỹ hiện đang khá thuận lợi, song Fed vẫn thận trọng trong việc điều chỉnh lãi suất. Trong khi đó, người đứng đầu FED bang Boston, Eric Rosengren, lại cho rằng Fed sẽ đẩy lộ trình nâng lãi suất nhanh hơn dự đoán của giới đầu tư.

Ngày 19/4, Trung Quốc vừa ra mắt chuẩn giá vàng mới bằng đồng nhân dân tệ để nâng cao vị thế trong việc định giá vàng thế giới. Đây là động thái cho thấy nỗ lực lớn nhất của Bắc Kinh trong việc cải cách thị trường vàng nội địa và có tiếng nói lớn hơn trong ngành công nghiệp vàng thế giới, mà lâu nay bị chi phối bởi London (Anh) - nơi đang thiết lập chuẩn giá vàng.

Kim Dung-Minh Trang (TTXVN)
“Cứu tinh” của giá dầu xuất hiện
“Cứu tinh” của giá dầu xuất hiện

Thỏa thuận Doha đổ vỡ, giá dầu thế giới cùng ngày lập tức giảm hơn 6%, nhưng rất nhanh sau đó đã hồi phục tới 8%, khiến nhiều nhà đầu tư “ngã ngửa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN