Doanh thu sụt giảm
Ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, phương án giá dầu thô được Quốc hội phê duyêt là 60 USD/thùng. Hiện nay, giá dầu thô thực tế đang ở quanh mức 30 USD/thùng. Dự kiến cả năm 2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khai thác 8,8 triệu tấn dầu thô. Nếu giá dầu năm nay trung bình chỉ ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu của PVN sẽ giảm khoảng 2,4 tỷ USD và nộp ngân sách giảm khoảng 800 triệu USD.
Về khai thác khí, lãnh đạo Vụ Dầu khí và Than cho hay, hầu hết các nguồn khí đang khai thác tại Việt Nam có sản lượng và giá khí xác định theo từng mỏ, đã được ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn nên ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đối với những mỏ khí có giá neo theo giá dầu thô, doanh thu sụt giảm.
Ông Nguyễn Việt Sơn cho rằng hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu sẽ chịu tác động kép, bởi giá dầu giảm sâu làm giá sản phẩm xăng dầu giảm theo, cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trên 30% do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện tại, lượng tồn kho xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn ở mức rất cao, khoảng 70-80% và có thể tăng trong những ngày tới.
Do yếu tố tồn kho và khoảng cách chênh lệch giữa giá sản phẩm với giá dầu thô thấp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tháng 2/2020 lỗ 313 tỷ đồng, lũy kế 2 tháng lỗ 228 tỷ đồng.
Ông Sơn thông tin thêm: Nếu tính giá bán dầu ở mức 30 USD/thùng, nhiều mỏ dầu sau khi nộp thuế và tính các loại chi phí thì không đủ bù chi phí. Tuy nhiên, hợp đồng dầu mỏ là hợp đồng dài hạn, nếu dừng sản xuất ngay lập tức sẽ gây thiệt hại lớn. Hiện nay, chưa có nhà thầu dầu khí nào đề xuất dừng vận hành khai thác.
Kiến nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp
Để ứng phó với khó khăn kép do giá dầu giảm sâu và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã đề nghị Tập đoàn và các đơn vị khẩn trương xây dựng quy định nội bộ trong toàn Tập đoàn nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch COVID-19 một cách an toàn, không để gián đoạn.
Các đơn vị tập trung rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu…
Còn đại diện Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than cho rằng, trong dài hạn, ngành dầu khí cần rà soát đánh giá cụ thể từng mỏ xem mỏ nào tiếp tục khai thác, đảm bảo hiệu quả thì duy trì, còn mỏ nào không có khả năng vẫn phải xem xét khả năng đóng mỏ.
Ngoài ra, toàn ngành phải rà soát một số mỏ có khả năng khai thác tốt để cân đối, bù đắp cho mỏ có giá dầu cao, từ đó bù đắp cho tổng sản lượng, đáp ứng được tăng trưởng của ngành nói riêng và tăng trưởng GDP của đất nước nói chung.
Đại diện Vụ Dầu khí và Than đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ giãn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất khẩu dầu thô. Bên cạnh đó, khi giá dầu thấp thì Chính phủ có cơ chế lấy sản phẩm dầu thô giá rẻ và dầu tồn kho làm thành dự trữ quốc gia, sau khi giá dầu cao thì Chính phủ lại bán lại cho doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, cần có các biện pháp làm sao hài hoà lợi ích cả cả Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá xem lợi ích việc giảm giá dầu là gì, có thể tận dụng như thế nào để đem lại tác động tích cực cho nền kinh tế như việc xăng dầu giảm sẽ khiến chi phí vận tải giảm.