Dự báo trong 2 năm tới, nguồn cung căn hộ chung cư tại thị trường Hà Nội sẽ có thêm khoảng 54.000 sản phẩm, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì… Đối với đô thị lớn như Hà Nội, nguồn cung sản phẩm như vậy được đánh giá thấp hơn nhu cầu khá nhiều.
“Trước những diễn biến cung - cầu của thị trường, dự báo trong năm 2022 kịch bản khả quan hạ giá chung cư là điều khó xảy ra, nhất là khi nguồn cung đang khan hiếm. Tình trạng lạm phát, tăng chi phí nguyên vật liệu sẽ tiếp tục đẩy giá căn hộ tăng cao”, ông Nguyễn Văn Đình, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định.
Thực tế, tình trạng "lệch pha" cung cầu khiến thị trường BĐS phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững. Trong khi đó, với thực trạng hiện nay, để kéo giảm giá nhà đất không dễ, vì thị trường, phân khúc nhà ở xã hội nguồn cung nhỏ giọt, hàng loạt dự án bất động do rào cản pháp lý, ảnh hưởng không nhỏ đến Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
Do vậy, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh BĐS có chung kiến nghị cần phải xây dựng quy trình chuẩn về đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính; đồng thời, cần sớm triển khai đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại, với mức giá không quá 20 triệu đồng/m2 ở các địa phương và 25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất cần phải tạo lập được quỹ đất để phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ ở các địa phương. Vấn đề này phụ thuộc lớn vào cơ quan quản lý Nhà nước.