Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng cam sành nhiều nhất tỉnh Trà Vinh, với hơn 2.000 ha. Cam sành được trồng tập trung tại các xã: Tam Ngãi, An Phú Tân, Hòa Tân và một phần của Ninh Thới, Châu Điền và Hòa Ân. Trung bình mỗi năm, sản lượng cam sành ở Cầu Kè đạt khoảng từ 3.000 đến 3.500 tấn quả.
Nhiều năm qua, giá cam sành Cầu Kè được các thương lái mua sô ổn định ở mức 12.000 – 15.000/kg. Với mức giá này, bình quân nhà vườn trồng cam sành cho trái từ vụ thứ 2 trở lên đạt thu nhập từ 300 – 350 triệu đồng/ha.
Ông Trần Út, nhà vườn ở xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè trồng chuyên canh 0,5 ha cam sành đã cho trái năm thứ 4, sản lượng thu hoạch bình quân đạt hơn 30 tấn/ năm. Ông Út cho biết, mấy năm trước, vườn cam của ông bán với giá bình quân 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Nhưng năm nay, nguồn thu của gia đình giảm đi hơn một nửa. Ông cho biết thêm, đối với những vườn cam mới trồng cho vụ trái đầu tiên với giá bán như hiện nay xem như không có lời.
Theo các nhà vườn ở huyện Cầu Kè, giá cam sành năm nay giảm mạnh là do vào vụ thu hoạch chính, sản lượng cam tập trung rất nhiều. Thêm vào đó, nhiều năm nay nhà vườn đều nắm vững kỹ thuật, trồng giống cam sành có năng suất và chất lượng cao. Sản phẩm cam sành chủ yếu tiêu thụ nội địa, lượng xuất khẩu rất ít.
Từ năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã có quy hoạch vùng trồng cam sành tập trung ở huyện Cầu Kè và khuyến khích nông dân xây dựng các mô hình liên kết trong việc trồng và xúc tiến quảng bá thương hiệu cho sản phẩm cam sành để có thể xuất khẩu được loại trái cây này. Tuy nhiên đến nay, việc trồng cam sành ở huyện Cầu Kè vẫn chỉ thực hiện được việc nâng cao năng suất và chất lượng. Các nhà vườn vẫn chưa mạnh dạn cùng nhau liên kết sản xuất thành lập hợp tác xã để tạo ưu thế ký kết đầu ra sản phẩm cam sành ổn định.