Đại diện lãnh đạo Gang Thép Thái Nguyên cho biết, nếu dự án giai đoạn 2 không được tái khởi động sẽ khiến gần 4.000 lao động mất việc làm, ảnh hưởng tới 20.000 lao động khác và mất vốn nhà nước gần 1.200 tỷ đồng.
Chính vì vậy, TISCO kiến nghị, Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên quan tâm, tạo điều kiện và sớm có quyết định tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để sớm đưa dự án giai đoạn 2 đi vào sản xuất, ít nhất là từng phần, bởi đó là cơ hội để công ty tiếp tục vừa sản xuất có hiệu quả, vừa hoàn thành các phần khác, đảm bảo hiệu quả chung.
Văn bản của Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên nêu: “Nếu không sớm tái khởi động dự án giai đoạn 2 thì chất lượng thiết bị trên hiện trường ngày càng hư hỏng, xuống cấp, chi trả tiền lãi vay, làm tăng chi phí của dự án”.
Trước đó, TISCO đã nhiều lần báo cáo và kiến nghị cấp trên các giải pháp để giải quyết tồn tại vướng mắc của dự án, vì các tồn tại vướng mắc đã vượt quá thẩm quyền xử lý của công ty hoặc chưa có quy định của pháp luật để xử lý, tuy nhiên các kiến nghị này đều chưa được giải quyết. Vì vậy, TISCO kính đề nghị Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành có cơ chế tách dự án ra để xử lý; có cơ chế để khoanh nợ gốc, xóa nợ lãi đối với các khoản nợ vay của dự án, giúp cho TISCO với dây chuyền sản xuất hiện tại và thương hiệu hiện có vẫn được tồn tại phát triển.
Dự án giai đoạn 2 mở rộng nhà máy Gang Thép Thái Nguyên, có tổng vốn đầu tư dự kiến 3.843 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2007 đến nay đã bị kéo dài 14 năm do tồn tại nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Điều này dẫn tới hậu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm sút từ năm 2018.
Theo đánh giá của lãnh đạo Gang Thép Thái Nguyên, dự án giai đoạn 2 hiện nay vẫn sử dụng công nghệ tiên tiến. Các thiết bị đã chuyển đến công trường, một số đã được lắp đặt, một số được bảo quản tốt có thể bảo dưỡng, lắp đặt và vận hành hoạt động giúp phát huy tối đa lợi thế về chuỗi sản xuất liên hợp, tiết kiệm năng lượng, giúp công ty tự chủ được hầu hết từ gang, cốc, phôi thép, nhiên liệu khí, dầu phục vụ sản xuất, tạo ra nguồn giá trị gia tăng có ích lớn.
Để khôi phục dự án, công ty sẽ đưa nhà máy luyện cốc vào vận hành trước. Lượng cốc thu được từ nhà máy cốc giai đoạn 2 đủ để cung cấp cho 3 nhà máy cán hiện tại. Phương án này giúp Gang Thép Thái Nguyên mỗi năm giảm giá thành khoảng 300 tỷ đồng.
"Chỉ tính riêng việc tiết kiệm khoản dầu FO không phải mua để nung phôi, nhờ tận dụng lượng khí than và dầu cốc thô tiết kiệm được của nhà máy cốc giai đoạn 2 chậm nhất từ một năm rưỡi đến 2 năm là hòa luôn tiền chi phí xây dựng cả nhà máy", văn bản cho biết.
Liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của Gang Thép Thái Nguyên, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.006 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt đạt 57 tỷ đồng và 44 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng với mức tăng 8,5 lần và 7,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021 Gang Thép Thái Nguyên đặt mục tiêu đạt 12.989 tỷ đồng tổng doanh thu và gần 49 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy kết thúc quý I/2021, doanh nghiệp đã thực hiện được trên 23% kế hoạch doanh thu và đã hoàn thành vượt 16% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam, quý I/2021, Gang Thép Thái Nguyên đã sản xuất được hơn 207.000 tấn thép xây dựng, tổng lượng thép bán ra đạt hơn 210.000 tấn, tăng 122% so với cùng kỳ và chiếm 8,3% thị phần.
Đối với thép thô, trong kỳ doanh nghiệp sản xuất được gần 160.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ. Toàn bộ lượng thép thô được tiêu thụ nội bộ, không xuất bán trong nước hoặc xuất khẩu.