Ông Nguyễn Tấn Lợi, Phó cục Trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết, thực chất, nợ thuế khó thu ở Đồng Nai chỉ hơn 530 tỷ đồng (nợ gốc). Con số 950 tỷ là do cộng thêm tiền phạt chậm nộp bởi thời gian nợ thuế càng lâu, tiền phạt chậm nộp càng tăng. Nợ thuế khó thu đa số thuộc về doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Những doanh nghiệp này thường có rất ít máy móc, trang thiết bị; nếu có thì cũng là máy cũ, giá trị thấp, không có tài sản cố định (đất).
Nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, chủ bỏ trốn khi còn nợ thuế nhưng ngành thuế vẫn thu hồi được nợ vì họ còn để lại tài sản cố định, hàng hóa, máy móc. Còn với doanh nghiệp thương mại, dịch vụ trong nước, do không có tài sản để lại nên việc thu hồi nợ gần như không thể. Hiện ngành thuế Đồng Nai đã vô hiệu hóa hóa đơn những doanh nghiệp nợ thuế khó thu, doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động - ông Lợi cho hay.
Nợ thuế khó thu là vấn đề khó xử lý, bởi doanh nghiệp không có khả năng chi trả. Theo quy định, nợ thuế chỉ được xóa khi có thời gian trên 10 năm; trong khi đó, số nợ nêu trên đều dưới 10 năm. Nhằm giảm áp lực quản lý nợ, Cục Thuế Đồng Nai đã kiến nghị cơ quan Trung ương khoanh khoản nợ này lại, không tính tiền phạt chậm nộp để số nợ không tăng.
Nhằm hạn chế phát sinh nợ thuế khó thu, thời gian tới, Cục Thuế Đồng Nai sẽ tăng cường kiểm tra, đốc thúc doanh nghiệp nộp thuế đúng hạn; thường xuyên rà soát, nếu doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày thì lập tức cưỡng chế tài khoản, hóa đơn; công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế với số tiền lớn, thời gian dài lên các phương tiện thông tin đại chúng.