Mặc dù dự báo của Fitch thấp hơn mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 - 7% do nhà nước đề ra cho giai đoạn 2021-2025, Fitch cho biết các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết gần đây sẽ giúp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường ở nước ngoài và giúp Việt Nam tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào một đối tác thương mại duy nhất.
Một yếu tố tích cực khác là Việt Nam đặt ưu tiên cho việc nhập khẩu máy móc và thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, theo Fitch Solutions, điều này đòi hỏi phải nâng cao cấp độ kỹ năng, vốn là điều chỉ có thể cải thiện một cách tuần tự trong thập niên tới.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, trong 5 năm tới, Việt Nam có kế hoạch hoàn thành cụm phía Đông của đường cao tốc Bắc Nam, hoàn thành giai đoạn đầu của dự án Sân bay quốc tế Long Thành và hơn 1.700 km đường ven biển từ tỉnh Quảng Ninh tới tỉnh Cà Mau.
Việt Nam đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách 3,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 5 năm tới, đồng thời duy trì nợ công ở mức 47,5% GDP, dưới mức giới hạn là 65%. Với tiềm năng tăng trưởng kinh tế khả quan của Việt Nam, Fitch cho rằng đây là một mục tiêu khả thi.
Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,9%. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới đạt tăng trưởng dương, cao hơn cả Trung Quốc (2,3%), trong khi phần lớn các nền kinh tế khác tăng trưởng âm.
Các nhà kinh tế của Ngân hàng Bank of America cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, với mức 9,3% trong năm 2021, cao hơn dự báo của Ngân hàng Thế giới.