Động lực và kỳ vọng mới cho nền kinh tế Việt Nam năm 2021

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Chú thích ảnh
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phóng viên báo Tin tức đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong (nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội) về những vấn đề phát triển kinh tế của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

-Trong “bầu trời u ám” kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Những thành công này không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ cùng một quá trình phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam. Theo ông, những động lực và kỳ vọng mới cho phát triển nền kinh tế Việt Nam năm 2021 là gì?

+ Mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của tất cả các nước trên thế giới, song âm hưởng chung hội tụ trong các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam là rất tích cực. Việt Nam  nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng dương (2,91% GDP), là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021...

Động lực và triển vọng tích cực tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam trước hết dựa trên sức chống chịu và đà phát triển năm 2020, với quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN. Lạm phát được kiểm soát vững chắc ở mức thấp; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ cấu thu, chi ngân sách Nhà nước chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển và giảm tỷ trọng chi thường xuyên... 

Động lực tăng trưởng năm 2021 cũng được củng cố và mở rộng từ cải thiện môi trường đầu tư và triển khai hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam vẫn nằm trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (năm 2019, đứng thứ 8, tăng 15 bậc; năng lực cạnh tranh xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018). 

Đặc biệt, Việt Nam đã thực sự trưởng thành và nâng cao một bước vị trí, uy tín và năng lực đảm nhận"trọng trách kép" trong năm 2020, khi đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn nhằm thúc đẩy vị thế là một nhà lãnh đạo khu vực…Đây là một đỉnh cao thắng lợi của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, tiếp thêm sinh khí mới để chúng ta tự tin và chủ động tiếp tục tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. 

Động lực tăng trưởng năm 2021 cũng được tiếp nối từ những thành tựu về du lịch: Năm 2020, Việt Nam lần thứ hai liên tiếp đoạt giải "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020" của tổ chức World Travel Awards (WTA - Giải thưởng Du lịch Thế giới) đã khẳng định sức cuốn hút về bề dày văn hóa, lịch sử và thành công của du lịch Việt Nam...  

Động lực cho năm 2021 cũng tích hợp và tỏa sáng từ những thành tự phát triển bền vững của Việt Nam, với vị thế là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của Liên hợp quốc về phát triển bền vững 2020. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập, mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2020 ước khoảng 4,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những Quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. 

Đặc biệt, động lực và kỳ vọng mới cho năm 2021 được gia tăng cùng với sự thăng hạng vượt trội về giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam: Theo Brand Finance (Anh), hãng chuyên định giá thương hiệu quốc tế, trong năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019 - mức tăng nhanh nhất thế giới. Nhờ đó, giá trị thương hiệu Việt Nam đã tăng 9 bậc so với cùng kỳ và đạt thứ hạng 33 trên thế giới. Giá trị thương hiệu Việt Nam tăng mạnh nhờ vào việc phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. 

Mức độ thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tỷ lệ thuận với tinh thần Cách mạng và quyết tâm chính trị trong triển khai đổi mới có hiệu quả tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; xây dựng Đảng vững mạnh gắn liền với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, theo những chuẩn mực quản trị tốt, phục vụ phát triển và có khả năng xử lý, ứng phó linh hoạt với những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.

-Thưa ông, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, nổi bật là sự khẳng định: “Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đồng nghĩa với coi xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN là một quá trình dài”; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước để tạo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước trước mọi biến động của thực tiễn. Quan điểm của ông về vấn đề này?

+Dự thảo lần đầu tiên đưa ra và khẳng định tầm quan trọng của xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; đề cao vai trò của các tổ chức xã hội trong tạo lập sự liên kết, phối hợp hoạt động giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên, bảo vệ lợi ích thành viên, phản ánh nguyện vọng người dân, phản biện và giám sát thực thi pháp luật…

Tuy vậy, cũng chính tại nội dung này, quan hệ biện chứng giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cần được làm rõ hơn, trong đó có cơ chế quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước không hoạt động trong lĩnh vực lợi nhuận, không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, do đó không thể hoạt động theo cơ chế thị trường.

Hơn nữa, cần làm sâu sắc hơn chức chức năng Nhà nước trong vai trò chủ động hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường đào tạo cán bộ  có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; nâng cao năng lực dự báo và ngăn chặn, trung hòa các tác động mặt trái của kinh tế thị trường; là “nhạc trưởng” giữ nhịp và đảm bảo ổn kinh tế vĩ mô, bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ các cam kết, quy luật và quy trình kinh tế trong hội nhập quốc tế; đẩy mạnh đa phương hóa và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác; nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ các biến động kinh tế thế giới; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường trong nước…

Quá trình Đảng ta không ngừng hoàn thiện, củng cố nhận thức toàn diện, đầy đủ, sâu sắc và tổ chức xây dựng hiệu quả mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là biểu hiện và thước đo sự thành công bản lĩnh, trí tuệ về đổi mới và Cách mạng của Đảng. Đồng thời, đó cũng là quá trình tạo lập và hiện thực hóa các mục tiêu, động lực và cơ chế để gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và để người dân được hưởng thụ ngày càng nhiều hơn thành quả của công cuộc đổi mới; để giữ vững được ổn định chính trị và kinh tế, củng cố đồng thuận và đoàn kết xã hội, không ngừng cải thiện các quan hệ và vị thế quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và toàn diện hơn.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Hiện thực hóa quyết sách của Đảng, kinh tế Việt Nam phát triển có tính cạnh tranh cao
Hiện thực hóa quyết sách của Đảng, kinh tế Việt Nam phát triển có tính cạnh tranh cao

Thành tựu kinh tế đạt được trong những năm qua là minh chứng rõ nét về kết quả của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và định hướng. Để hiện thực hóa những quyết sách của Đảng, Việt Nam cần quyết liệt hơn trong hành đồng, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tranh thủ được các cơ hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN