Theo bài viết, Việt Nam đang tiếp nhận thêm nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài khi các nhà sản xuất tìm cách “giảm thiểu rủi ro” trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Năm 2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh lên hơn 20 tỷ USD. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Dell, Google, Microsoft và Apple những năm gần đây đều dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam và sẽ tiếp tục đà dịch chuyển sản xuất này. Tỷ trọng nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam cũng tăng gần 2 điểm phần trăm kể từ năm 2018. Doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tích cực nắm bắt cơ hội đa dạng hóa chuỗi cung ứng khi chi phí lao động tăng cao.
Bài báo cũng đánh giá những thập niên gần đây, tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực xuất khẩu đã giúp hàng triệu người dân tại Việt Nam thoát khỏi đói nghèo. Bài viết cho biết kinh tế Việt Nam đang ở trong thời điểm quyết định. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần củng cố môi trường kinh doanh, tiếp tục thu hút nhà đầu tư ngoài nước. Về lâu dài, chính phủ cần tận dụng lợi thế tăng trưởng sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế, đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Bài viết cho rằng theo thời gian, Việt Nam cần tái đầu tư vào các lĩnh vực nhiều chất xám và năng suất cao, đáp ứng mục tiêu thu nhập đặt ra vào năm 2045. Trong đó, các dịch vụ trụ cột như tài chính, logistics và dịch vụ pháp lý có khả năng tạo ra việc làm có trình độ cao, gia tăng giá trị cho các ngành hiện có. Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam tăng cường hỗ trợ áp dụng công nghệ, kỹ năng quản lý và giảm thiểu rào cản trong đầu tư FDI trong lĩnh vực dịch vụ.
Trong thập niên tới, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhà sản xuất có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có lợi thế sở hữu nhóm dân số trẻ và lực lượng lao động dồi dào, song vẫn cạnh tranh trong việc tìm kiếm công nhân trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Bài viết nhấn mạnh kinh tế Việt Nam đang bùng nổ và Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm thiểu rủi ro tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự thịnh vượng về lâu dài.