Fed, ECB, và BoE thận trọng về tác động của vaccine ngừa COVID-19 đối với nền kinh tế 

Ba trong số các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/11 cho biết nền kinh tế tiếp tục cần sự hỗ trợ dù có những tiến bộ trong hoạt động phát triển vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế giới thiệu mẫu vaccine ngừa COVID-19 do Công ty dược Sinovac của Trung Quốc phát triển tại bệnh viện Sao Lucas ở Porto Alegre, Brazil. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến do ECB tổ chức, Chủ tịch Fed Jerome Powell, Thống đốc BoE Andrew Bailey và Chủ tịch ECB Christine Lagarde đều hoan nghênh kết quả thử nghiệm sơ bộ một loại vắc-xin của BioNTech và Pfizer hợp tác phát triển đã đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, cả ba quan chức cấp cao cũng nhấn mạnh mối đe dọa dài hạn của đại dịch đối với nền kinh tế.

Chủ tịch Powell cho biết rủi ro chính đối với nền kinh tế Mỹ là dịch bệnh ngày càng lan rộng ở nước này. Ông lưu ý rằng ngay từ đầu, Ngân hàng trung ương này đã nói rằng nền kinh tế sẽ không phục hồi hoàn toàn cho đến khi mọi người dân tin rằng tình hình đã đủ an toàn để nối lại các hoạt động có đông người tham gia. 

Theo ông Powell, các tin tức về vaccine là “yếu tố lạc quan cho trung hạn". Nhưng còn quá sớm để Fed có thể đánh giá những tác động của vaccine ngừa COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là trong thời gian trước mắt. Khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Mỹ, vài tháng tới sẽ còn nhiều thách thức cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.  

Đồng tình với quan điểm của ông Powell, Thống đốc BoE Bailey nói rằng các tin tức về vaccine ngừa COVID-19 là “rất đáng khích lệ” và nền kinh tế cần những thông tin lạc quan như vậy vào lúc này. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng vaccine chưa có mặt trên thị trường vào thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, Chủ tịch ECB Lagarde cho biết các ngân hàng trung ương và chính phủ sẽ cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ để tránh những thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế. Người đứng đầu ECB cũng cho hay bà chưa quá hào hứng về vaccine COVID-19.

Tại sự kiện, bà Lagarde cho biết ECB có thể sẽ có thêm gói kích thích mới tại cuộc họp ngày 10/12 tới, trong khi ông Powell nói rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã thảo luận cần điều chỉnh chương trình mua trái phiếu của họ như thế nào để tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế. Fed đang mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng - gồm 80 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 40 tỷ USD trái phiếu thế chấp - để cố gắng giữ chi phí vay dài hạn ở mức thấp.

Bài phát biểu của ba vị quan chức cấp cao diễn ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới tăng cao trở lại, gây áp lực buộc các chính phủ và ngân hàng trung ương phải tiến hành nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ nền kinh tế. 

Cả ECB, Fed và BoE đều triển khai những gói kích thích quy mô lớn như cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu, nhằm mục đích giữ chi phí đi vay hợp lý cho các doanh nghiệp và hỗ trợ họ phục hồi.

Tại Mỹ, một gói các biện pháp kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD được ban hành vào mùa Xuân, đã hỗ trợ những người lao động thất nghiệp và các doanh nghiệp suy yếu. Song gói kích thích trên đã hết hạn từ tháng 7/2020. Việc các nhà lập pháp Mỹ chưa thông qua bất kỳ khoản cứu trợ mới nào đang khiến triển vọng nền kinh tế ảm đạm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn kỳ vọng các biện pháp cứu trợ kinh tế nhiều khả năng được thông qua trong phiên họp hậu bầu cử của Quốc hội dự kiến diễn ra từ nay đến đầu tháng 1/2021.

H.Thủy (Theo Reuters)
Vaccine ngừa COVID-19 đặt ra những thách thức hậu cần
Vaccine ngừa COVID-19 đặt ra những thách thức hậu cần

Theo nhận định của một số chuyên gia y tế, vaccine của Pfizer không là "viên đạn bạc", bởi thành phần "RNA thông tin" (mRNA) có trong vaccine này đòi hỏi việc bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN