FED có thể sẽ phải tăng cường kích thích kinh tế

Tín hiệu lạc quan về việc mở cửa lại chính phủ và tăng trần nợ dần xuất hiện, nhưng đó không phải là giải pháp triệt để và có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải tăng cường kích thích kinh tế.

Chính phủ Mỹ đóng cửa có thể đã gây phương hại tới niềm tin của doanh nghiệp, chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế nước này.

Trước ngày 17/10, nếu mức trần nợ không được nâng, nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Dù đàm phán liên quan đạt được tiến triển nhất định, nhưng vẫn khó có thể đảm bảo nhanh chóng kết thúc tình trạng chính phủ đóng cửa và khả năng vi phạm khế ước vay nợ.

Quyết định của FED luôn có tác động tới “phong vũ biểu của nền kinh tế”. Ảnh: Internet.


Theo ông Andrew Cole, trưởng bộ phận đầu tư của Công ty Quản lý Tài sản Baring, cho dù đàm phán liên quan kết thúc thế nào, dự đoán hợp lý vẫn là tình hình tài chính Mỹ rất căng thẳng, có thể buộc FED phải nới lỏng tiền tệ hơn nữa nhằm đảm bảo sự hồi phục của nền kinh tế.


Trong trường hợp FED tăng cường kích thích kinh tế, các tài sản rủi ro có thể phải chịu ảnh hưởng bất lợi, một phần nguyên nhân là trong tương lai, FED có thể sẽ áp dụng biện pháp rút chính sách kích thích kinh tế nhanh hơn và với quy mô lớn hơn.

Nhưng nếu quyết định tăng cường kích thích kinh tế, nhiều khả năng FED sẽ sử dụng công cụ chính sách khác như khuyến khích ngân hàng mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp, chứ không phải là mở rộng chính sách nới lỏng định lượng (QE) bởi thị trường có thể sẽ hoài nghi hiệu quả của QE.

Một sách lược gia thuộc Công ty Quản lý Tài sản Lombard Odier cũng cho rằng nếu Mỹ không nâng mức trần nợ, nhiều khả năng FED sẽ phải tăng cường thực hiện QE.

Ngay cả khi đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đạt được thỏa thuận liên quan, những tác động trước đó đối với niềm tin người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ cũng sẽ gia tăng khả năng FED mở rộng QE.

Trong một diễn biến liên quan, tờ “Tin tức Thế giới” dẫn lời của chuyên gia kinh tế trưởng Joachim Fels của tập đoàn Morgan Stanley cho rằng bế tắc trong vấn đề ngân sách và nâng trần nợ có thể sẽ khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới phải đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế mới.

Tuy thị trường chưa xuất hiện nhiều nhận định rằng ngân hàng trung ương các nước sẽ mở rộng chính sách kích thích kinh tế, nhưng nhiều nhà đầu tư đã có khuynh hướng chuyển tài sản vào sản phẩm tài chính an toàn là công trái, tránh xa cổ phiếu Mỹ vốn đã tăng mạnh vào đầu năm 2013 này.

Nếu như tính không xác định trong chính sách của FED tăng lên, dòng tiền sẽ đẩy nhanh tốc độ rút khỏi cổ phiếu Mỹ, sau đó, có thể chuyển sang thị trường châu Âu và Nhật Bản.


Thành Nam
Những thách thức lớn đối với nữ Chủ tịch FED tương lai
Những thách thức lớn đối với nữ Chủ tịch FED tương lai

Sau khi được Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cử, đương kim Phó Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen có cơ hội rất lớn trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử trăm năm của FED. Tuy nhiên, thách thức phía trước là không nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN