Chỉ số giá lương thực của FAO, theo dõi hầu hết các hàng hóa thực phẩm giao dịch trên toàn cầu, đạt trung bình 131,2 điểm trong tháng 1/2023, so với mức 132,2 điểm trong tháng 12/2022. Đây là mức thấp nhất ghi nhận được kể từ tháng 9/2021. Số liệu của tháng 12/2022 cũng đã được điều chỉnh giảm so với ước tính ban đầu là 132,4 điểm.
FAO cho hay giá các mặt hàng dầu thực vật giảm 2%, bơ sữa giảm 1,4% và đường giảm 1,1% đã giúp kéo chỉ số của FAO đi xuống. Trong khi đó giá thịt và ngũ cốc phần lớn vẫn ổn định.
Trong báo cáo ước tính nguồn cung và nhu cầu ngũ cốc cũng được công bố ngày 3/2, FAO đã nâng dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2022 lên 2,765 tỷ tấn so với ước tính 2,756 tỷ tấn trước đó.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO chỉ tăng 0,1% so với tháng trước trong tháng Một. Giá lúa mỳ quốc tế đã giảm 2,5% trong bối cảnh sản lượng tại Australia và Nga vượt dự kiến. Trái lại, giá gạo tăng 6,2% chủ yếu do nhu cầu trong nước tăng mạnh tại một số quốc gia xuất khẩu châu Á.
Dự báo về sản lượng gạo toàn cầu cũng được điều chỉnh giảm do sản lượng thấp hơn dự kiến từ Trung Quốc và hiện được dự đoán giảm 2,6% so với mức cao kỷ lục trong năm 2021.
Vào năm 2023, FAO cho biết những dấu hiệu ban đầu cho thấy khả năng sản lượng lúa mỳ vụ Đông ở bán cầu bắc sẽ tăng lên. Tuy nhiên, chi phí phân bón cao có thể ảnh hưởng đến sản lượng.
Tiêu thụ ngũ cốc trên thế giới niên vụ 2022-2023 dự kiến sẽ giảm 0,7% so với niên vụ trước xuống còn 2,779 tỷ tấn. Ước tính dự trữ ngũ cốc thế giới ở mức 844 triệu tấn, đẩy tỷ lệ dự trữ/sử dụng trên thế giới trong niên vụ 2022-2023 xuống 29,5% so với mức 30,8% trong niên vụ 2021-2022.