Tại sao nhập khẩu điện?
Liên quan đến vấn đề nhập khẩu điện từ các quốc gia lân cận, EVN cho hay, tại buổi trao đổi với một số cơ quan báo chí về tình hình cung cấp điện và một số vấn đề liên quan vào ngày 24/5/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết như sau: "Sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ; trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày. Sản lượng điện toàn quốc là trên 850 triệu kWh/ ngày, riêng miền Bắc cũng là 450 triệu kWh/ngày trong khi tổng sản lượng điện nhập khẩu hơn 10 triệu kWh/ngày nên tỷ trọng điện nhập khẩu rất thấp, chưa tới 1,3% toàn quốc. Những nguồn này không hẳn là thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ. Chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau".
Về lý do nhập khẩu điện, theo EVN, năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi khó khăn về cung cấp điện trong một số thời điểm lại diễn ra ở miền Bắc. Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc.
Về việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN đã tập trung cao nhất vào việc đàm phán, thống nhất giá tạm, báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt để nhanh chóng đưa các dự án đã hoàn thành xây dựng vào vận hành theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian sớm nhất.
EVN đã thành lập nhiều Tổ đàm phán để sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn giải quyết các vướng mắc, xử lý dứt điểm các vấn đề thuộc trách nhiệm của EVN như gia hạn thỏa thuận đấu nối, thử nghiệm nghiệm thu. Ngoài ra, EVN đã tổ chức nhiều cuộc họp với tất cả các chủ đầu tư có đại diện của Bộ Công Thương để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đàm phán.
Đến ngày 31/5/2023, có 50 dự án với tổng công suất hơn 2.751 MW chủ đầu tư đề nghị giá điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình ban hành theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 19/01/2023 của Bộ Công Thương; trong đó EVN đã trình Bộ Công Thương và được Bộ Công Thương phê duyệt 40 dự án với tổng công suất hơn 2.368 MW. Trong đó có 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 430,22 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại và phát điện lên lưới.
Các dự án/phần dự án còn lại đang hoàn tất chương trình thử nghiệm, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan (quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư về tiến độ thực hiện của dự án, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng, giấy phép hoạt động điện lực, kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...) để đủ điều kiện đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã làm rõ thông tin "EVN xin tăng giá điện, nhưng loạt công ty con đưa hàng chục nghìn đồng gửi ngân hàng".
Theo đó, số tiền gửi mà báo chí đề cập cần được xem xét với số dư nợ ngắn hạn (60.045 tỷ đồng) tại cùng thời điểm của các Tổng công ty Điện lực; chưa nói đến các khoản dư nợ dài hạn, chỉ xét riêng các khoản dư nợ ngắn hạn trên thì rõ ràng số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn, nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao nên đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong thời gian tới.
Ngoài ra, số dư tiền gửi trên được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà và nhà máy thuỷ điện nhỏ vào đầu tháng sau theo các hợp đồng đã ký kết để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải và chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các Tổng Công ty Điện lực phải chủ động cân đối dòng tiền phù hợp để đảm bảo thanh toán nợ gốc và lãi vay kịp thời cho các đơn vị tín dụng, thanh toán cho các nhà cung cấp, các nhà máy điện theo quy định, đồng thời có trách nhiệm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị mình.
Dần hiện đại hóa
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, hoạt động phân phối kinh doanh điện của EVN bao gồm các nhiệm vụ chính như: Đầu tư xây dựng, vận hành và quản lý hạ tầng lưới điện phân phối (các đường dây và trạm biến áp) đến cấp điện áp 110kV (bao gồm đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi và hải đảo); hoạt động kinh doanh, phân phối và mua bán điện theo giấy phép hoạt động điện lực; dịch vụ khách hàng (cung cấp các dịch vụ điện và chăm sóc khách hàng); các nhiệm vụ khác (tiếp nhận lưới điện của các tổ chức khác bàn giao, tiết kiệm điện …).
Thực hiện chủ trương hiện đại hóa trong kinh doanh dịch vụ khách hàng, từ năm 2015 EVN đã đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, thay thế dần các công tơ cơ khí (phải thực hiện đo ghi thủ công). Đến nay, 80,26% hệ thống đo đếm và ghi chỉ số điện đã được điện tử hóa.
Hiện vẫn còn khoảng 6 triệu công tơ cơ khí trên toàn quốc cần nhân viên đo ghi thủ công. Theo lộ trình thì tới năm 2025 toàn bộ số công tơ cơ khí này sẽ được EVN thay thế bằng công tơ điện tử đo xa.
Về nhân viên đo ghi chỉ số công tơ toàn Tập đoàn, EVN cho biết, do việc thực hiện đo ghi và phúc tra chỉ số công tơ thường được thực hiện mỗi tháng 1 lần. Để tối ưu hóa và nâng cao năng suất lao động, các nhân viên đo ghi và phúc tra chỉ số công tơ, ngoài việc đo ghi, còn phải kiêm nhiệm các công việc khác như: kiểm tra, thay công tơ định kỳ, đôn đốc nợ, đo công suất, chụp ảnh nhiệt, xử lý sự cố, chăm sóc khách hàng... Hiện toàn Tập đoàn có 2.242 nhân viên thực hiện việc các công việc này, tương ứng với 2,32% số lượng người lao động toàn tập đoàn.
Ngoài ra trong thời gian qua, EVN đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và các công nghệ mới vào tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh nên hàng năm lực lượng lao động của EVN đều giảm, mỗi năm đã giảm bình quân khoảng 1.100 người.