Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết việc cải thiện quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong các điều khoản của thỏa thuận về người di cư mà hai bên đã ký kết hồi tháng 3, trong đó Ankara nhất trí áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế dòng người di cư đổ vào châu Âu. EC thông báo đã yêu cầu Hội đồng châu Âu triệu tập cuộc họp gồm 28 nước thành viên để khởi động các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cải cách Liên minh hải quan giữa hai bên, vốn tồn tại 2 thập kỷ qua.
Trong một tuyên bố, EC nhấn mạnh việc đưa ra đề xuất nói trên cho thấy EC vẫn đang tiếp tục thực hiện các cam kết của mình với Ankara. Uỷ ban này cũng cho rằng kế hoạch cải cách Liên minh hải quan EU- Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy các mối quan hệ thương mại hiện nay có thể mang lại những lợi ích kinh tế bền vững cho cả hai bên. Quyết định này cũng hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho các doanh nghiệp EU trong ngành dịch vụ - nông sản và thị trường mua bán chung.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gần đây liên tục chỉ trích EU trì hoãn nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đe dọa hủy thỏa thuận về hạn chế người di cư đã ký hồi tháng 3 với khối này. Ông Erdogan cũng cáo buộc EU thất bại và chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận di cư, trong đó có việc cho phép công dân Thổ Nhĩ Kỳ được tự do đi lại trong "Lục địa già" và hỗ trợ tài chính cho người di cư trên lãnh thổ nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đệ đơn xin gia nhập EU từ năm 1987, song các cuộc đàm phán về tiến trình này chỉ được bắt đầu trong năm 2005. Hiện các cuộc đàm phán gia nhập khối của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình trệ sau khi chính quyền Ankara tiến hành các cuộc trấn áp nhằm vào các đối tượng bị cáo buộc có liên quan tới vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua tại nước này. Chiến dịch "thanh lọc" bộ máy chưa từng có tiền lệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều nước châu Âu, theo đó khiến EU tìm cách trì hoãn thực hiện các cam kết với nước này.