Hạn chót cho một thỏa thuận là ngày 5/12 sau khi EU thống nhất về lệnh cấm đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga hồi cuối tháng Năm.
Kế hoạch áp giá trần do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất dự kiến sẽ thay thế kế hoạch trừng phạt cứng rắn hơn của EU để bảo vệ nguồn cung toàn cầu và ngăn chặn đà tăng của giá nhiên liệu. Tuy nhiên, 27 quốc gia vẫn chưa đồng thuận về mức giá trần.
Ba Lan cho rằng mức trần phải được đặt thấp hơn đề xuất của G7 nhằm cắt giảm khả năng tài chính của Nga. Theo đề xuất của G7, EU và các khách hàng khác tiếp tục mua dầu của Nga nhưng chỉ khi ở mức giá bằng hoặc thấp hơn mức G7 đã thỏa thuận là 65-70 USD/thùng.
Tuy nhiên, Ba Lan và một số nước cho rằng biện pháp này không làm tổn hại đến Nga vì dầu thô của nước này đã được giao dịch ở mức 63,5 USD/thùng, trong khi chi phí sản xuất ước tính chỉ 20 USD/thùng. Ba Lan cùng Lithuania và Estonia đã thúc đẩy áp giá trần 30 USD/thùng. Trong khi đó, Malta (Man, CH Cyprus (Síp) và Hy Lạp lo ngại đề xuất giới hạn giá của G7 quá thấp, ảnh hưởng đến các ngành vận tải biển của mình.
Theo một nhà ngoại giao, ý tưởng là mức giá trần thấp hơn giá thị trường khoảng 5% và làm giảm doanh thu của Nga. Nhưng giá dầu Nga đã liên tục giảm và hiện ở dưới mức trần, vì vậy kế hoạch áp giá trần sẽ không đạt được mục tiêu nào.
Nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước ngày 5/12, EU sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn, theo đó cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12 và các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/2/2023. Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác được miễn trừ và được tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga qua hệ thống đường ống.