Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã công bố các tập định mức cho một số dịch vụ hạ tầng kỹ thuật thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (Quyết định số 593/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 về việc công bố định mức dự toán duy trì cây xanh đô thị gồm 73 định mức; tại Quyết định số 594/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 về việc công bố định mức dự toán duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị gồm 182 định mức) để các tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, sử dụng vào việc lập và quản lý chi phí. Tuy nhiên, qua số liệu tổng hợp từ các địa phương cho thấy đa số các địa phương vẫn đang sử dụng các bộ định mức dự toán lĩnh vực dịch vụ cây xanh, chiếu sáng do Bộ Xây dựng công bố để làm cơ sở xác định đơn giá, giá sản phẩm dịch vụ công.
Được trao quyền nhưng nhiều địa phương vẫn phụ thuộc vào hệ thống định mức của Bộ Xây dựng. Rất ít địa phương ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về cây xanh, chiếu sáng. Hiện mới chỉ có khoảng 13/63 địa phương ban hành bộ định mức áp dụng riêng và 10/63 địa phương ban hành định mức bổ sung so với các định mức Bộ Xây dựng đã công bố.
Gần đây, nhiều tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tiếp tục gửi văn bản về Bộ Xây dựng góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý chi phí dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị.
Trong đó, có ý kiến cho rằng, chủ trương sửa đổi, thay thế Thông tư số 14 với nhiệm vụ trọng tâm là giao cho UBND các tỉnh, thành phố ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật sẽ xuất hiện khó khăn trong việc đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ về định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí; làm tốn kém thời gian, ngân sách Nhà nước và khó khăn trong quá trình thực hiện.
Chiều 5/7, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đã chia sẻ về thẩm quyền và phạm vi, trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc ban hành định mức lĩnh vực cây xanh, chiếu sáng.
Theo ông Biên, tại Nghị định 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, tại khoản 3 Điều 10 Về quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ: "Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công; quy định về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý".
Cùng đó, Nghị định 52/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng nêu rõ: "Ban hành thông tư và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật, thiết kế điển hình, thiết kế mẫu, chỉ dẫn kỹ thuật, chỉ tiêu, tiêu chí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó."
Còn tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Bộ Xây dựng đối với việc ban hành định mức các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý, tuy nhiên chưa rõ “phạm vi quản lý” quy định tại khoản này có bao gồm “phạm vi quản lý nhà nước” hay không.
Do Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước do Bộ Xây dựng quản lý được ban hành tại Quyết định số 162/QĐ-TTg ngày 31/01/2018 không bao gồm dịch vụ cây xanh, chiếu sáng đô thị. Nên tại văn bản số 13297/BTC-HCSN ngày 30/11/2023, Bộ Tài chính đã có ý kiến trả lời về trách nhiệm của Bộ Xây dựng ban hành định mức theo thẩm quyền.
Theo đó, Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh đều có thẩm quyền, trách nhiệm ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý (theo chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước và quản lý, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước để tổ chức thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực).
Từ cơ sở thực tiễn và rà soát quy định pháp luật có liên quan, Cục Kinh tế xây dựng và các cơ quan chuyên môn của Bộ đã phân tích sự cần thiết và làm rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc công bố định mức để thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước theo quy định tại Nghị định 52/2022/NĐ-CP và thuận tiện cho các địa phương trong triển khai thực hiện.
Theo đó, việc tham khảo, xem xét có áp dụng hay không các định mức do Bộ Xây dựng công bố làm cơ sở ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật để thực hiện trách nhiệm được giao tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP thuộc quyền quyết định của UBND cấp tỉnh trên cơ sở rà soát, đánh giá sự phù hợp về quy trình, điều kiện cụ thể, tính đặc thù của đô thị và khả năng bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các dịch vụ này tại địa phương.
Như vậy, việc Bộ Xây dựng tiếp tục công bố các tiêu chuẩn định mức là cần thiết. Còn các địa phương tham khảo và toàn quyền quyết định cũng như cần chủ động xây dựng hệ thống định mức riêng cho phù hợp thực tế trên địa bàn – ông Đàm Đức Biên phân tích.
Tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 14 được hoàn thiện tháng 11/2023, Bộ Xây dựng cũng khẳng định, định mức do Bộ Xây dựng công bố là cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham khảo trong quá trình tổ chức xác định, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý.
Việc sửa đổi, hoàn thiện này là cần thiết để đảm bảo tính ổn định, liên tục trong tổ chức thực hiện duy trì dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị tại các địa phương, phù hợp với trách nhiệm của Bộ Xây dựng, của UBND cấp tỉnh quy định tại khoản 1, 2 Điều 26 Nghị định 32.
Mới đây, tại Văn bản 3208/BXD-KTXD về trách nhiệm ban hành định mức của UBND cấp tỉnh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cũng nêu rõ về trách nhiệm ban hành định mức áp dụng đối với dịch vụ cây xanh đô thị, chiếu sáng đô thị thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh theo điểm b, khoản 2, Điều 26, Nghị định số 32.
Nghị định này cũng chính là một trong cơ sở pháp lý để Bộ Xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 14. Các quy định trong dự thảo phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật – Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng nhấn mạnh.
Các chuyên gia nhận xét, phân cấp, phân quyền vừa là xu hướng tất yếu, đồng thời cũng là vấn đề trọng tâm trong quản trị quốc gia; nhất là trong việc xác định chức năng, trách nhiệm của Trung ương và quyền tự chủ của địa phương trong quản lý Nhà nước.
Thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phân cấp, phân quyền đối với chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh, thành phố. Tránh tình trạng được “trao quyền” nhưng vẫn thiếu chủ động, “né” trách nhiệm.