Việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn này, thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững.
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh tế ở khu vực này, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 4293/BCT-TTTN ngày 25/7/2022 về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này.
Chia sẻ tại tọa đàm: "Đưa sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN lên tầm cao mới" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 16/11, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong vòng 10 năm từ 2010 - 2020 Bộ Công Thương đã làm được rất nhiều hoạt động để lồng ghép vào các Chương trình và Đề án phát triển kinh tế xã hội, kết nối hàng hóa sản xuất trong nước, thúc đẩy để tiêu thụ hàng hóa đồng cho đồng bào DTTS.
Có thể kể đến 4 Chương trình lớn do Thủ tướng Chính phủ ký mang tầm quốc gia là Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với những hoạt động về hội chợ, các chuyến hàng quảng bá sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và một trong những điểm rất mạnh của hàng hóa đồng bào DTTS; Chương trình khuyến công quốc gia. Đặc biệt, chương trình phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2015 và năm nay là giai đoạn thứ hai tiếp đến năm 2025 đã phát huy nhiều hiệu quả.
Bà Lê Việt Nga cho biết, trong thời gian tới, mục tiêu ngành Công Thương đặt ra là hằng năm sẽ giảm nghèo được 3% cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đồng thời đạt được mục tiêu là tăng gấp đôi thu nhập của người dân tại khu vực này so với năm 2020.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Việt Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc, cho biết, ngay từ những ngày đầu xây dựng nhà máy tại Tà Xùa, doanh nghiệp đã chọn tên gọi là sản phẩm là trà Shanam có nghĩa là trà shan tuyết Việt Nam.
“Những ngày đầu làm việc với bà con dân tộc, nhiều bạn công nhân thậm chí còn không biết chữ, cán bộ quản lý phải dạy nguyên cả mấy tháng thì chỉ biết mỗi ký tên, nhưng đến nay, các công nhân đều đọc thông viết thạo và thậm chí giao tiếp với người Kinh rất giỏi”, bà Phạm Thị Việt Hà cho hay.
Đại diện doanh nghiệp cho biết thêm, Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc đã bắt tay cùng với địa phương thành lập Hợp tác xã Trà Tà Xùa, Hợp tác xã sẽ là nơi thu mua những sản phẩm phần trà tốt, đạt tiêu chuẩn đưa vào nhà máy và nhà máy sẽ bao tiêu hết cả vùng nguyên liệu để cho bà con thì yên tâm gắn bó với công ty. Đến nay, sau 5 năm, đời sống của bà con thay đổi rất nhiều, trước đây không có đường thì nay đã có đường vào đến sâu trong bản, bản cũng có điện và bà con thì cũng sử dụng smartphone, có xe máy đi lại.
Hiện nay, bên cạnh khó khăn đến từ thay đổi nhận thức người dân, hướng dẫn bà con hái trà đúng kỹ thì doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về thị trường. Khi thương hiệu Shanam ra mắt vào tháng 12/2017, tham gia các hội chợ, triển lãm, doanh nghiệp thậm chí còn phải cầm ảnh vừa giới thiệu cho khách hàng biết là trà này từ cây cổ thụ như thế này, khi đó thậm chí còn phải truyền thông về cây trà trước sau đó cho mọi người uống thử rồi mới truyền thông đến sản phẩm.
Thế nhưng được sự cộng hưởng của truyền thông và của chính quyền địa cũng đã truyền thông rất nhiều về cây trà cổ thụ thì đến nay không cần phải truyền thông về cây trà nữa thì Shanam đã định vị vị trí đối với người tiêu dùng.
Ở góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, muốn lên tầm cao mới thì các sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi cũng phải đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, sạch sẽ. “Xu hướng ấy còn phải là nhân văn, là để hỗ trợ cho những vùng miền còn khó khăn, gắn với các tích truyện gắn với các cái truyền thống quý báu của đồng bào”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho hay, để đưa sản phẩm miền núi đến với người tiêu dùng còn phải áp dụng công nghệ số, đó là cách thức quảng bá, tận dụng những người khổng lồ như là những hệ thống phân phối lớn trong nước, kể cả hệ thống lớn bên ngoài, thương mại điện tử xuyên biên giới…
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ xây dựng hệ thống chợ của đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động có bản sắc, có hiệu quả kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm và giúp cho cuộc sống của đồng bào đủ đầy với những sản phẩm thiết yếu tiêu dùng hàng ngày.
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ hỗ trợ để kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số về với miền xuôi, đi được các vùng miền trên toàn quốc và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
“Hai nhiệm vụ này luôn được Bộ Công Thương đưa lên hàng đầu, triển khai bằng những giải pháp truyền thống như kết nối cung cầu, truyền thông đã làm rất hiệu quả, có những chương trình về nhận diện đối với những nhóm sản phẩm hàng hoá đặc thù này”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.