Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược đối với cách mạng Việt Nam và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Đời sống đồng bào đã được cải thiện, ngày càng được nâng lên. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm, bình quân toàn vùng DTTS&MN giảm 2 - 3% một năm. Riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4% một năm trở lên, các huyện nghèo giảm 5 - 6% năm trở lên.
Đến nay, các tỉnh vùng DTTS đều được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi từ 15 - 60 của toàn quốc là 97,65%, tỷ lệ người DTTS từ 15 - 60 tuổi viết chữ là 93,44%.
Clip đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chia sẻ về Dự thảo đề án:
Công tác chăm sóc sức khỏe, xây dựng văn hóa đạt được kết quả tích cực; tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi ổn định, phát triển. Đặc biệt là các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chưa phủ đến hoặc không thể phủ đến được thì chính sách cấp ấn phẩm báo cho đồng bào đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Theo đó, có trên 308.594 đối tượng thụ hưởng chính sách chủ yếu sinh sống tại các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa, “vùng lõm” không thể phủ sóng phát thanh, truyền hình, internet.
Tuy nhiên, hiện nay vùng đồng bào DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN chiếm 34,69% tổng số hộ nghèo của cả nước, cá biệt một số nhóm dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%. Lao động trên 15 tuổi qua đào tạo mới đạt 6,2% (cả nước là 18,2%). Hơn 20% người DTTS trên 15 tuổi chưa biết đọc, biết viết những câu tiếng Việt thông thường. Vẫn còn 10 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn trên 45% và 6 dân tộc có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống trên 25%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng đồng bằng DTTS&MN chủ yếu là vùng cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp. Cùng với đó, tình trạng biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường… Lợi dụng những đặc điểm về tâm lý, điều kiện xã hội và nhận thức của đồng bào DTTS, thời gian qua các thế lực thù địch, phản động đã kích động lôi kéo tập hợp một bộ phận người DTTS nhẹ dạ, cả tin, ở vùng sâu, vùng xa tham gia các hoạt động chống phá Đảng và chính quyền nhân dân.
Để thực hiện có hiệu quả và hoàn thành các chỉ tiêu mục tiêu Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia thì cần phải tăng cường, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Các ấn phẩm báo, tạp chí với ưu điểm và lợi thế vượt trội sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, định hướng dư luận xã hội, để đưa thông tin đến với đúng đối tượng, kịp thời, chính xác, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, vì lợi ích của đồng bào vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn.
Vì vậy, việc thực hiện chính sách “Tiếp tục cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2022 - 2025 là hết sức cần thiết.
Chia sẻ về nội dung cụ thể của dự án, đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Các báo, tạp chí tham gia cung cấp thông tin, truyền thông cho các đối tượng thụ hưởng ở vùng đồng bào DTTS theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào tôn chỉ mục đích của báo mình để đổi mới về nội dung. Trong đó, các báo, tạp chí này cần sản xuất các chuyên đề mang tính chuyên ngành cho các đối tượng phục vụ ở cơ sở, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Việc thực hiện đổi mới này nhằm khắc phục việc đưa thông tin chồng chéo, tràn lan, khó kiểm soát, dàn trải; phát huy được thế mạnh của các báo, đặc biệt là hạn chế cao nhất sự nhàm chán, lãng phí.
Ví dụ báo dành cho thanh niên cung cấp cho các chi đoàn, đoàn thanh niên cơ sở về những vấn đề đặc thù trong thanh niên vùng DTTS, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các phong trào thanh niên đặc thù. Báo phụ nữ sản xuất chuyên đề cho các chi hội phụ nữ với những nội dung về giới, những vấn đề cấp bách về phụ nữ và trẻ em cần tiếng nói của phụ nữ.
Cùng với đó, đề án đề xuất nội dung đổi mới hình thức công cung cấp thông tin. Cụ thể, đề án đề xuất xây dựng các ứng dụng chuyên trang điện tử DTTS&MN để chuyển tải những thông tin đặc sắc được tổng hợp từ các tờ báo, các chuyên đề đến bạn đọc. Các kênh tương tác hai chiều trên ứng dụng chuyên trang điện tử DTSS&MN cũng sẽ được đề xuất triển khai nhằm thu thập thông tin hai chiều hỗ trợ đồng bào phản ánh các vấn đề quan tâm tới cơ quan quản lý giúp Ủy ban Dân tộc tăng cường cập nhật được thông tin đúng, đủ, sàng lọc, kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tại địa phương.
Dự thảo của Ủy ban Dân tộc khẳng định trong phần kết luận, chính sách cấp một số ấn phẩm, báo, tạp chí và đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn là chủ trương đúng đắn, khẳng định sự quan tâm của ưu tiên của Đảng, Nhà nước, đã đáp ứng nguyện vọng của đại đa số đồng bào, học sinh, cán bộ, chiến sĩ vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn và rất cần thiết được Đảng, Nhà nước quan tâm tiếp tục ban hành chính sách và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2003 - 2025.