Đưa hàng Việt về nông thôn vẫn mang tính 'mùa vụ'

Rất ủng hộ chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ người dân nhưng các nhà phân phối trong nước mong muốn được tạo nhiều điều kiện hỗ trợ, trong đó có địa điểm tổ chức.

Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn được các Sở Công Thương địa phương thực hiện nhiều năm qua với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hoạt động này không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng nông thôn.

Chợ Tết hàng Việt được người dân Đồng Tân, Ứng Hòa hưởng ứng nhiệt tình.

Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu và tiếp cận được thị trường. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và sức mua của người dân khu vực nông thôn. Sau 7 năm thực hiện cuộc vận động, doanh nghiệp và các bộ ngành đã tổ chức hàng nghìn chuyến bán hàng về nông thôn.

Có thể nói doanh nghiệp là hạt nhân của chương trình này, tuy nhiên thực tế cho thấy, chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà với hoạt động này, nhất là các doanh nghiệp ngoại. Hưởng ứng nhiệt tình nhất vẫn là các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

Ghi nhận tại phiên chợ Tết hàng Việt đang diễn ra ở xã Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội, người dân đi mua sắm rất nhiệt tình, nhưng khi chia sẻ về quá trình thực hiện phiên chợ, đại diện doanh nghiệp tổ chức là Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Hapro không khỏi chạnh lòng: "Chúng tôi gặp nhiều khó khăn về địa điểm khi đưa hàng về nông thôn. Không phải nơi nào cũng được địa phương tạo điều kiện cho mở những phiên chợ như ở đây. Nhiều nơi phải dựng tạm lều bạt để tổ chức".

Đại diện Hapro cũng cho biết thêm, năm qua Tổng công ty đã thực hiện hàng trăm chuyến bán hàng lưu động về nông thôn. Thực hiện những chuyến hàng này, doanh nghiệp hầu như không có lãi. Sau khi trừ đi các chi phí thì điều mà doanh nghiệp thu lại được chính là "cảm tình của bà con nhân dân". Có lẽ vì vậy mà không thấy các "ông lớn" trong ngành bán lẻ Việt Nam tham gia chương trình này.

Hiện nay, các chương trình bình ổn giá, đưa hàng Việt về nông thôn, doanh nghiệp phải tự thực hiện mà không nhận được hỗ trợ chi phí của thành phố như trước đây nữa. Do đó, những doanh nghiệp nhỏ sẽ khó thực hiện.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart), những doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn lực tài chính yếu thì không có điều kiện phát triển kênh phân phối tại thị trường nông thôn nên gặp khó khi đưa hàng Việt về nông thôn.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, do không có địa điểm tổ chức cố định nên những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn vẫn mang tính mùa vụ. Khi chương trình kết thúc, người dân muốn mua thêm sản phẩm cũng không biết mua hàng ở đâu, kết nối với doanh nghiệp bằng cách nào.

Đại diện Hapro kiến nghị: Để doanh nghiệp phát triển hệ thống bán lẻ tại thị trường nông thôn, Bộ Công Thương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kênh phân phối.

Hoàng Dương
 Lan tỏa cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Lan tỏa cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Năm 2017, tỉnh Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện tốt cuộc vận động ‘‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’ gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN