Nằm ở trung tâm 3 thành phố lớn TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), An Giang có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế thương mại biên giới liên vùng và liên quốc gia.
An Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có đường biên giới dài hơn 100 km tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) có 5 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu chính Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông và 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai. Hiện trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới của tỉnh có 13 chợ biên giới và 4 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận.
Trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới, hạ tầng logistics (dịch vụ hậu cần), An Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư 168 dự án, tổng số vốn đăng ký trên 29.830 tỷ đồng. Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, An Giang hiện có 49 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 8.540 tỷ đồng.
Nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế cho khu vực kinh tế biên giới, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Đề án “Phát triển thương mại biên giới tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, với mục tiêu thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đưa An Giang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước vào thị trường Campuchia và các quốc gia ASEAN.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đạt 9 tỷ USD, tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020; trong đó, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới tăng trưởng bình quân 10%/năm, đạt khoảng 636,7 triệu USD vào năm 2025.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đánh giá, thương mại biên giới đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Điểm sáng trong hoạt động xúc tiến thương mại biên giới của An Giang là tỉnh duy trì tổ chức thường niên hội chợ thương mại quốc tế tại khu vực biên giới với Campuchia giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng từ 10 – 12%. Hàng năm, tỉnh tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương tại Campuchia. Qua đó, góp phần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi hàng hóa giữa An Giang - Việt Nam và các tỉnh, thành của Campuchia.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho rằng, dù An Giang có đường biên giới dài hơn 100 km nhưng tỉnh chưa có doanh nghiệp lớn có khả năng trực tiếp liên kết, làm đầu mối kết nối vận chuyển hàng hóa xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia. Song song đó, tỉnh còn hạn chế nguồn lực trong việc đầu tư các kho lạnh, kho mát, thiếu nơi tập kết hàng nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước khi xuất khẩu sang thị trường Campuchia và mở rộng sang một số nước trong khu vực ASEAN.
Để phát triển thương mại biên giới, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, An Giang tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp lớn nghiên cứu, đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu để đảm bảo hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa tại khu kinh tế cửa khẩu. An Giang cũng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực xã hội, bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế biên giới.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện Khu kinh tế cửa khẩu An Giang được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm sẽ được tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Từ đó, nhiều dự án lớn về giao thông, logistics trên địa bàn tỉnh tại khu vực kinh tế cửa khẩu sẽ được đầu tư thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ tập trung phát triển 3 hành lang kinh tế. Trong đó, hành lang biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với hình thành các đô thị biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh; trong đó, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; là đầu mối giao thương, hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế của vùng với Campuchia; là động lực phát triển kinh tế, đô thị biên giới phía tây bắc của tỉnh.
Bí Thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết, triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2023 tầm nhìn năm 2050, An Giang tập trung phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, phát triển hành lang kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng sạch, logistics và đưa An Giang trở thành đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thị trường Campuchia và trở thành trung tâm đầu mối nông nghiệp của vùng.
Theo ông Lê Hồng Quang, tỉnh phấn đấu đến năm 2050 sẽ trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tinh của cả nước và là đích đến của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn của thế giới; đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN.
Để phát đẩy mạnh phát triển kinh tế biên giới, An Giang cũng kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh mời gọi các doanh nghiệp thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long để liên kết hàng hóa cho khu vực, hướng đến xuất khẩu sang thị trường Campuchia; xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm phân loại, sơ chế, bảo quản, nâng cao giá trị và bảo đảm chất lượng nông sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.
Năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu An Giang đạt gần 2,47 tỷ USD. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu An Giang đạt khoảng 520 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu qua Campuchia qua các cửa khẩu An Giang chủ yếu là gạo, rau quả, trái cây, phân bón, xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi... Nông sản nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam thông qua các cửa khẩu của An Giang chủ yếu là lúa, cát sông, xoài tươi, quặng sắt…