IHS Markit cho biết chỉ số tổng hợp các nhà quản lý mua hàng của họ, được xem như là thước đo quan trọng về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, đã giảm xuống từ 54,5 điểm hồi tháng Tám, xuống còn 54,1 điểm trong tháng Chín.
Ông Chris Williamson, chuyên gia cấp cao của IHS Markit, cho rằng sự sụt giảm này sẽ còn tiếp diễn trong quý IV/2018, khi những tháng gần đây đã ghi nhận sự mất đà rõ ràng về cả sản lượng lẫn đơn đặt hàng mới.
Dù chỉ số ở trên mức 50 điểm vẫn cho thấy sự phát triển trong các lĩnh vực này nhưng sự sụt giảm kể trên là một bằng chứng nữa cho thấy kinh tế Eurozone đã giảm tốc trong suốt mùa Hè khi hoạt động thương mại chững lại. Những căng thẳng thương mại trên toàn thế giới, chủ yếu là giữa Mỹ và Trung Quốc, đã làm dấy lên những lo ngại rằng chủ trương bảo hộ đang gia tăng và làm phương hại đến hoạt động kinh doanh.
Dù xuất khẩu sa sút, nhưng kết quả khảo sát của IHS Markit cho thấy kinh tế Eurozone gồm 19 thành viên vẫn tăng trưởng 0,5% trong quý III, mức tăng trưởng khá mạnh so với các mức ghi nhận trong 10 năm qua.
Điểm thú vị là kết quả khảo sát cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Italy lại tăng trưởng mạnh trong tháng Chín vừa qua, bất chấp những lo ngại đang gia tăng trên các thị trường tài chính về những chính sách kinh tế của chính phủ mới.
Hầu như không chuyên gia nào dự đoán rằng Italy sẽ bứt phá khỏi thời kỳ tăng trưởng ảm đạm của hiện tại, đặc biệt nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục sa sút trước sự gia tăng của các chính sách bảo hộ. Điều này có nghĩa là phần lớn đà tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới có thể ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu trong nước, thay vì hoạt động thương mại.
Đây có thể là một mối lo đối với khu vực Eurozone. Những số liệu khác nhau từ Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy doanh thu bán lẻ trong tháng Tám đã sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp, với mức giảm 0,2% so với tháng trước đó và cũng giảm khoảng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.