Theo ông Trần Quốc Bảo, dự án đầu tư nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 có 3 gói xây lắp với tổng số tiền là hơn 400 tỷ đồng; trong đó gói thầu số 1 đã được mở thầu từ ngày 5/11/2021; gói thầu số 2 đã được mở thầu từ ngày 19/11/2021 và dự kiến gói thầu số 3 sẽ được mở thầu vào ngày 29/11/2021.
Ngoài ra 3 gói thầu xây lắp, dự án đầu tư nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 còn các gói thầu về tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và gói thầu về biển báo, tín hiệu đường thủy.
Về chi phí giải phóng mặt bằng của dự án, ông Trần Quốc Bảo thông tin, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm số tiền khá lớn trên tổng mức đầu tư của dự án. Dự kiến lúc đầu chi phí giải phóng mặt bằng vào khoảng 556 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này chi phí giải phóng mặt bằng đã lên đến 618 tỷ đồng, tăng thêm 62 tỷ đồng.
“Hiện việc giải phóng mặt bằng dự án đang được địa phương đẩy nhanh triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Dự án sẽ được thi công trong vòng 18 tháng, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa 2023”, ông Trần Quốc Bảo cho hay.
Theo quy mô được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 1.336 tỷ đồng.
Dự án sử dụng gần 30 ha đất, với khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng, nhằm nạo vét mở rộng luồng đường thủy gần 10km kênh Chợ Gạo (từ Km12+000-Km21+850), xây dựng công trình bảo vệ bờ Nam kênh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh… Sau khi cải tạo, đoạn luồng trên đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II, với chiều sâu hơn 3,5m, rộng hơn 50m và bán kính cong lớn hơn 500m, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn.
Theo Ban Quản lý dự án đường thủy, kênh Chợ Gạo gồm 3 đoạn: Rạch Lá (10,2km), Chợ Gạo (11,6km) và rạch Kỳ Hôn dài 6,8km qua địa phận huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và một phần qua tỉnh Long An, là tuyến đường thủy huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn năm 2004, dự án đầu tư cải tạo kênh Chợ Gạo hoàn thành giai đoạn I, giúp cải tạo tuyến đường thủy này đạt chuẩn kỹ thuật cấp III và thảm đá 2,5km bờ kênh phía Bắc bị sạt lở nghiêm trọng.
Những năm gần đây, số lượng phương tiện thủy lưu thông qua tuyến kênh Chợ Gạo tăng nhanh, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 lượt phương tiện chở hàng loại trọng tải 200 tấn đến hơn 1.000 tấn lưu thông, trong khi độ sâu và chiều rộng luồng hạn chế, gây ra ùn tắc giao thông và sạt lở bờ kênh.
Trước năm 2020, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp kênh Chợ Gạo được đưa vào danh mục kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nhưng không khả thi nên được điều chỉnh sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương. Cuối năm 2020, đơn vị quản lý dự án từng dự kiến được khởi công vào tháng 9/2021, sớm hơn so với tiến độ được phê duyệt, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải lùi lại.
Theo Ban Quản lý các dự án đường thủy, vài trăm mét bờ kè thuộc phạm vị dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp kênh Chợ Gạo sẽ được ứng dụng phương pháp thi công cọc xi măng đất. Đây là công nghệ mới trong lĩnh vực công trình đường thủy, đã được thí nghiệm trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (WB5).