Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, sau khi nghiên cứu các phương án đầu tư khác nhau (đầu tư công, BT, BOT); trên cơ sở nguồn lực, khả năng cân đối vốn của các địa phương, tính khả thi, hiệu quả khi triển khai dự án…, các địa phương thống nhất lựa chọn loại Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) để triển khai dự án.
Bên cạnh lợi thế về huy động được nguồn vốn xã hội tham gia giai đoạn đầu tư xây dựng, đầu tư theo phương thức PPP sẽ giảm đáng kể nguồn ngân sách nhà nước cần bố trí để phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình. Hình thức này cũng tận dụng được thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân.
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 120.412 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị là 55.588 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 41.090 tỷ đồng, cùng các chi phí khác. Trong 120.412 tỷ đồng tổng mức đầu tư, vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 69.780 tỷ đồng (57,95%) và vốn BOT khoảng 50.632 tỷ đồng (42,05%).
Về dự kiến tiến độ, trong năm 2024 - 2025 là giai đoạn chuẩn bị dự án; lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2026. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện từ năm 2025, hoàn thành năm 2027. Khởi công dự án năm 2026 và hoàn thành năm 2029.
Dự thảo Tờ trình cũng kiến nghị một số cơ chế đặc thù như: Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án; thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án thành phần; trình tự, thủ tục lập, tổ chức thẩm định và thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư; chỉ định thầu đối với một số gói thầu…
Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội; là trục xuyên tâm đi qua địa phận các địa phương (Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu) và là tuyến vành đai cao tốc đô thị của TP. Hồ Chí Minh.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang có điểm nghẽn do sự phát triển của hệ thống giao thông vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu. Chi phí logistics cao, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra tại các đô thị, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Những điểm nghẽn về kết nối, cơ sở hạ tầng giao thông của vùng đã được cảnh báo từ nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay mức độ chuyển biến chưa tương xứng như kỳ vọng.
Sau khi hoàn thành, đường Vành đai 4 sẽ hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo tuyến; phát triển các khu vực đô thị, công nghiệp, các trung tâm dịch vụ trên cơ sở khai thác không gian phát triển mới từ đường Vành đai 4 tạo thành chuỗi liên kết liên ngành, liên địa phương hiệu quả.
Theo đó, dự án Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến khoảng 159 km (Bà Rịa – Vũng Tàu 18 km; Đồng Nai 46 km; TP. Hồ Chí Minh 20,5 km; Long An 74,5 km), không bao gồm đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương khoảng 47 km triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Điểm đầu dự án giao với ngã tư Tóc Tiên - Châu Pha (khu vực nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường tỉnh ĐT992) và điểm cuối giao với đường trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh).
Giai đoạn 1, dự án xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 100 km/giờ, bề rộng 25,5m; xây dựng đường song hành, đường gom hai bên tuyến đường bộ cao tốc qua khu dân cư, khu đô thị (bố trí không liên tục). Việc giải phóng mặt bằng được thực hiện một lần theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe là 74,5m. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.415 ha...