Đảm bảo nguồn vốn dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Long An

Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, tỉnh cam kết đảm bảo cân đối vốn ngân sách địa phương cho dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Long An), với tổng vốn đầu tư 10.000,05 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Điểm giao đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh với đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Nguồn vốn này đã được HĐND tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề) năm 2025, nhất trí thông qua Nghị quyết.

Dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 159,31 km, đi qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23km), Đồng Nai (46,08 km), TP Hồ Chí Minh (16,7 km), Long An (78,3 km đã bao gồm 3,8km đoạn qua huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Điểm đầu tuyến tại lý trình khoảng Km40+00 (lý trình đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm cuối tuyến nối với đường trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT), có sự tham gia của nguồn vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), phần còn lại là nguồn vốn của nhà đầu tư. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024 - 2028. Đây là dự án quan trọng quốc gia, do Quốc hội cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án có quy mô gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh; quy mô giai đoạn phân kỳ đầu tư (phần đường bộ cao tốc có tim tuyến trùng tim quy hoạch, với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh; đầu tư đường song hành, đường gom hai bên tuyến đường cao tốc qua khu dân cư, khu đô thị, với quy mô tối thiểu 2 làn xe - đối với đường song hành, và đường giao thông nông thôn loại A hoặc loại B - đối với đường gom); mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh rộng 74,5m, 8 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành 2 bên tuyến.

Mặt cắt ngang phân kỳ tuyến chính cao tốc rộng 25,5m, giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng 23 nút giao liên thông (giai đoạn 1 xây dựng 19 nút giao liên thông và một số chỗ ra, vào đường bộ cao tốc đảm bảo kết nối thuận lợi, khai thác an toàn, phát huy hiệu quả dự án).

Đoạn qua địa bàn tỉnh Long An chia thành 4 dự án thành phần gồm các hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường gom, đường song hành, xây dựng các tuyến chính cao tốc,…), với tổng mức đầu tư khoảng 68.715 tỷ đồng. Trong số đó, ngân sách Trung ương 31.013,26 tỷ đồng, Long An 10.000,05 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 1.767,88 tỷ đồng và nhà đầu tư 25.934,34 tỷ đồng.

Thực hiện cân đối, triển khai các dự án thành phần trên, Long An phân bổ 200 tỷ đồng trong năm 2025 (nếu đảm bảo hồ sơ phân bổ theo quy định và giải ngân hết). Còn lại 9.800 tỷ đồng, tỉnh sẽ phân bổ trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2028 và từ các nguồn tăng thu (trung bình mỗi năm phân bổ 3.266 tỷ đồng).

Mục tiêu dự án là kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, các đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đây, phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh, liên kết và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả các tuyến đường này; phát huy được vai trò, tiềm năng, thế mạnh và chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển lẫn nhau giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận với vai trò là đô thị trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa…

Bên cạnh đó, dự án tạo trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa từ các khu công nghiệp, khu đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngược lại. Kết nối các đô thị, khu công nghiệp trong vùng, tạo liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, giảm áp lực giao thông khu vực cho khu vực trung tâm đô thị, góp phần hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh phát triển các khu vực đô thị, công nghiệp, các trung tâm dịch vụ trên cơ sở khai thác không gian phát triển mới từ đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh tạo thành chuỗi liên kết liên ngành, liên địa phương hiệu quả.

Ngoài ra, dự án tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai và tận dụng các khu vực thuận lợi cho phát triển đô thị cần bổ sung thêm dân số, từ đó, góp phần điều tiết dân số cho khu vực nội đô và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế.

Dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh dự kiến xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2030.

Thanh Bình (TTXVN)
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ Vành đai 4 và các dự án đường sắt trọng điểm
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ Vành đai 4 và các dự án đường sắt trọng điểm

Hà Nội sẽ khởi công đường cao tốc Vành đai 4 – Vùng Thủ đô vào ngày 19/5/2025 và đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN