Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng và việc lưu thông thuận lợi hơn sau khi tình hình dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát.
TP Hồ Chí Minh hàng ngày cần khoảng 1.600 tấn thịt các loại và từ 2,2 - 2,5 triệu quả trứng... Vừa qua do giãn cách xã hội nên nhu cầu giảm chỉ bằng từ 50 - 55% so với khi chưa có dịch.
Thành phố Hà Nội cũng có nhu cầu mỗi tháng cần khoảng 18,6 nghìn tấn thịt lợn, 6,2 nghìn tấn thịt gia cầm và 124 triệu quả trứng gia cầm... Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội nhu cầu đã giảm khoảng từ 40 - 50%. Việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 sẽ khiến nhu cầu tăng lên, nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế tại một số cơ sở chăn nuôi và việc cung cầu thịt lợn trên địa bàn huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, khi thị trường hoạt động bình thường trở lại, điều kiện lưu thông vận chuyển thông thoáng hơn. Các lò giết mổ, chợ truyền thống được khởi động trở lại. Những điều đó sẽ giúp nhu cầu sử dụng tăng trở lại và kích hoạt lưu thông nông sản; trong đó, có thịt lợn.
Thị trường sẽ quyết định cung cầu và giá cả. Từ chăn nuôi truyền thống đến chăn nuôi có tổ chức, chăn nuôi khép kín cần có các chính sách để hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nhân rộng và tạo điều kiện khuyến khích nhiều hơn về cơ sở hạ tầng để kích thích việc liên kết giữa các hộ chăn nuôi, chia sẻ rủi ro về dịch bệnh và thị trường.
Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội chia sẻ, hợp tác xã đang có khoảng 600 lợn nái và 7 nghìn lợn thịt. Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 1,2 nghìn tấn lợn. Một thời gian dài giá lợn hơi sụt giảm do phòng chống dịch COVID-19 nhưng nhờ chăn nuôi theo chuỗi và chủ động nguồn con giống và thức ăn cùng liên kết với hệ thống phân phối là các siêu thị nên hợp tác xã không chịu ảnh hưởng nhiều.
Ông Nguyễn Trọng Long cho biết, nhờ sản xuất theo chuỗi nên khi giá lợn giảm, hợp tác xã đã chủ động tạm dừng chưa bán để giảm thiệt hại. Với những chính sách của Chính phủ cũng như thành phố về khôi phục sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, giá lợn đã tăng trở lại. Ông Long mong muốn, giá cao hơn nữa để người chăn nuôi giảm bớt rủi ro.
Qua kiểm tra một số trang trại và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, liên kết sẽ góp phần giảm rủi ro và gia tăng giá trị của sản phẩm chăn nuôi.
Từ các mô hình liên kết sẽ giúp định hướng phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngành nông nghiệp sẽ có các dự báo về nhu cầu thị trường cũng như khả năng cung ứng để cung và cầu gặp nhau, giảm rủi ro hơn cho người sản xuất, người phân phối và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Bộ đã giao Cục Chăn nuôi thống kê cụ thể về nguồn cung thực phẩm hiện nay làm căn cứ để tính toán nhu cầu sử dụng trong các tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán và sẽ có thông tin đến người chăn nuôi.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong điều kiện giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, một số nơi đã xuất hiện mô hình bà con tận dụng phế phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp để thay thế phần nào thức ăn công nghiệp cũng là cách để giảm áp lực chi phí sản xuất.
Việc bà con tham gia vào hợp tác xã sẽ có nhiều thuận lợi, ví như cùng chung nhau mua chung nguyên liệu đầu vào thì chi phí sẽ giảm xuống. Hay, khi tham gia hợp tác xã, ngành nông nghiệp cũng sẽ nắm được thông tin, có thể tích hợp số liệu, tiếp cận độ chính xác hàng tuần, hàng tháng về nhu cầu của thị trường cũng như khả năng đầu cung. Thông tin đó có thể chuyển tới nhà phân phối để giảm rủi ro hơn cho người chăn nuôi.
Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian tới, Cục cũng sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương như cám, ngô, sắn… tự phối trộn để giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh đỡ rủi ro trong chăn nuôi, giảm chi phí trong khâu nuôi.
Về quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngành nông nghiệp cũng đang nghiên cứu chính sách, thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tích tụ đất nông nghiệp thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ để sản xuất ngô, đậu tương, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.