Đồng Tháp: Tạo điều kiện cho người nghèo hoàn vốn vay dễ dàng

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên các chương trình tín dụng được xem là giải pháp quan trọng trong chiến lược quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội...

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Tám, ấp Mỹ Hưng Hoà, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh nhận giải ngân 15 triệu đồng theo chương trình vay vốn học sinh, sinh viên từ Tổ tiết kiệm và vay vốn địa phương. 

Thêm vào đó, cách huy động các nguồn vốn vay cũng được địa phương thực hiện rất linh hoạt thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Điều này đã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng hơn khi hoàn lại nguồn vốn đã vay.

Cánh tay đắc lực

Với gần 15 nghìn thành viên và 320 tổ tiết kiệm và vay vốn, ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được đánh giá là một trong những địa phương có tổ tiết kiệm và vay vốn khá đông và hoạt động hiệu quả.

Bà Trần Thanh Trúc - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Lãnh cho biết, tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ của đơn vị 276 tỷ đồng; trong đó cho vay giải quyết việc làm cho hơn 500 hộ với hơn 12 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng dư nợ; vay hộ nghèo hơn 3.000 hộ với hơn 50 tỷ đồng, chiếm 18%; hộ cận nghèo hơn 1.700 hộ với trên 38 tỷ đồng, chiếm 14%; cho gần 7.000 hộ vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn gần 59 tỷ đồng, chiếm 21%; hơn 2.100 hộ vay chương trình học sinh, sinh viên với hơn 53 tỷ đồng, chiếm 19%. Hàng tháng có 100% hộ vay nộp lãi đúng kỳ hạn, 100% thành viên đang dư nợ tham gia gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn.

Chú thích ảnh
Hoạt động giải ngân và thu lãi tại xã Mỹ Xương của Ngân hàng chính sách huyện Cao Lãnh được thực hiện đều đặn vào ngày 15 hàng tháng. 

Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 1, xã Bình Hàng Trung do ông Nguyễn Anh Dũng làm tổ trưởng có 50 hộ dân tham gia và đa phần các thành viên đều thuộc diện nghèo, khó khăn nên nhu cầu có vốn để phục vụ sản xuất, sinh hoạt cao.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, trước khi tiến hành làm hồ sơ để các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn, điều kiện tiên quyết phải là hộ gia đình chí thú làm ăn, được các thành viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn biểu quyết đồng ý thống nhất. Điểm đáng chú ý là các buổi bình xét đều diễn ra công khai, minh bạch, công bằng và đúng đối tượng.

Ngoài việc luôn hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, các thành viên trong tổ luôn tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, nâng cao thu nhập. Song song đó, ban quản lý tổ cũng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn, hướng tới việc phấn đấu không phát sinh nợ quá hạn, không có nợ quá hạn và lãi tồn.

Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội, nhiều hộ dân trong thôn đã vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Minh Đấu - ấp 1, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh là một trong những trường hợp như thế. Vốn là hộ nghèo, không đất sản xuất phải đi làm thuê, gia đình ông Đấu được giải ngân 40 triệu đồng để sữa chữa xe đạp và buôn bán tạp hoá ven quốc lộ 30. Nhờ bản tính cần cù, siêng năng, đến nay, ông đã hoàn lại cả gốc lẫn lãi. Thu nhập gia đình cũng khấm khá hơn và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Minh Đấu ở ấp 1, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, vươn lên thoát nghèo bền vững từ nguồn vốn vay 40 triệu đồng.

Phương sách hàng đầu

Có nhu cầu được giải ngân nhưng khâu hoàn lại nguồn vốn đã vay như một áp lực đối với người vay vốn nên hình thức gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm vay vốn được xem là cách để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có ý thức tiết kiệm, có điều kiện tích góp để trả nợ, giảm gánh nặng khi đến thời hạn hoàn trả vốn vay.

Được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay tín chấp 85 triệu đồng để người con đầu có chi phí khi đi xuất khẩu lao động, chị Trần Thị Loan ngụ ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh chia sẻ, là hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, được vay vốn là một cứu cánh. Tuy nhiên, đối với bản thân chị Loan hiện tại, đó là một "món nợ" quá lớn. Ý thức được gánh nặng đến khi đáo hạn, chị Loan đã gửi tiết kiệm 500.000 đồng/tháng vào Tổ tiết kiệm vay vốn ấp Mỹ Thuận.

Bà Lê Thị Thanh Châu - tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn liên ấp xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết, thời gian đầu, việc triển khai hình thức tiết kiệm gặp nhiều khó khăn. Vì đa phần các tổ viên thuộc thành phần kinh tế khó khăn thu nhập không ổn định nên rất ngại tham gia.

Trước tình hình này, cán bộ ngân hàng chính sách xã hội, các hội, đoàn thể và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích của việc tham gia gửi tiết kiệm thông qua tổ. Từ đó, nhận thức của người dân được nâng cao và tỷ lệ tham gia ngày càng nhiều.

Bà Châu cũng giải thích thêm, hiểu rõ hoàn cảnh của các tổ viên, việc gửi tiết kiệm cũng được linh động. Chẳng hạn với mức gửi tối thiểu cố định 100.000 đồng/tháng theo ý kiến đã được thống nhất nhưng người gửi hoàn toàn có thể tăng hay giảm tuỳ theo thu nhập của bản thân.

Theo bà Trần Thanh Trúc - Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cao Lãnh, việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn mang lại lợi ích kép. Theo đó, ngân hàng có thêm nguồn vốn nên có thêm nhiều người nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Ngoài ra, gửi tiết kiệm cũng là cách giúp người nghèo, đối tượng chính sách tích góp, tạo lập nguồn vốn, thực hiện tốt kế hoạch trả nợ, thậm chí có thêm vốn để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh và vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong quá trình gửi tiết kiệm, khách hàng cũng được hưởng mức lãi suất tiền gửi nên cũng tạo thêm thu nhập cho người gửi tiền (tiền lãi).

Ông Lại Văn Bé Chín - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho hay, mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn gắn liền xuyên suốt với ngân hàng chính sách xã hội tỉnh xuyên suốt qua 16 năm hoạt động. Hiện, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 3.300 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 161 nghìn hộ vay, dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần so với thời điểm khởi phát ban đầu. Đáng chú ý là các thành viên vay vốn hầu hết đều có ý thức tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng thông qua tổ, nên tình trạng khó thu hồi vốn hoặc nợ quá hạn rất hạn chế.

Các tổ tiết kiệm và vay vốn đều được thành lập, hoạt động theo địa bàn thôn, xóm, tổ dân phố. Ngoài ra tất cả các chương trình chính sách tín dụng  dành cho đối tượng nào, hạn mức vay và nhu cầu, mục đích vay vốn đều do các thành viên trong tổ quyết định cơ sở. Chính việc để người dân trong cùng địa bàn dân cư sẽ tạo điều kiện để kiểm tra cũng như giúp đỡ nhau sử dụng vốn đúng mục đích. Song song đó, việc thu lãi, thu tiết kiệm hàng tháng theo bảng kê và biên lai thu lãi, đôn đốc thu nợ đến hạn của các tổ tiết kiệm và vay vốn  đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo về tin nhắn cho khách hàng
Ngân hàng Chính sách xã hội thông báo về tin nhắn cho khách hàng

Nhằm tăng cường việc kiểm soát và minh bạch thông tin hoạt động, từ ngày 10/1/2018, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai việc cung cấp dịch vụ tin nhắn thông qua điện thoại di động tới các khách hàng và không phải mất bất kỳ khoản phí nào khi nhận được tin nhắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN