Các mỏ đất được cấp phép có trữ lượng hàng trăm nghìn m3, nằm trên địa bàn huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Theo phương án tỉnh Đồng Nai đưa ra, đơn vị thi công cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sẽ được khai thác đất tại các mỏ này đến cuối năm 2022. Sau khi được cấp phép, các đơn vị liên quan đang tập trung nhân lực để khai thác đất, đẩy nhanh việc đắp nền trên tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.
Việc cấp phép các mỏ đất được thực hiện theo Nghị quyết số 133/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 (ngày 19/10/2021) của Chính phủ.
Về tiến độ cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, theo báo cáo của Ban quản lý dự án Thăng Long, tuyến cao tốc có 4 gói thầu, hiện nay, 3 gói thầu cơ bản đáp ứng tiến độ, riêng gói thầu số 1 (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận) chưa đạt tiến độ đề ra. Để đẩy nhanh việc thi công cao tốc, những tháng gần đây, liên danh nhà thầu đã tổ chức thi công 2 ca liên tục, một số mũi thi công 3 ca. Nhà thầu cũng đã ký cam kết với chủ đầu tư tiếp tục huy động thêm máy móc, thiết bị, tăng cường mũi thi công.
Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây từ Bình Thuận đến Đồng Nai với chiều dài 99km, khởi công vào cuối năm 2020. Dự kiến, cuối năm 2022 cao tốc sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.
Như TTXVN đã nhiều lần phản ánh, thời gian qua, các nhà thầu cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu hàng triệu m3 đất san lấp. Nguyên nhân là do các mỏ đất nằm trong quy hoạch chậm được cấp phép.