Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

Xuyên suốt chặng đường 10 năm xây dựng và trưởng thành, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban chỉ đạo Tây Bắc tập trung đôn đốc các địa phương là đưa những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, nhà nước nhằm đẩy mạnh và tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Sự nỗ lực, đổi mới và sáng tạo trong hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Bắc đã góp phần quan trọng trong bức tranh kinh tế sinh động của Tây Bắc hôm nay.

Nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo đôn đốc phát triển kinh tế vùng


Xác định để phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, trước hết các địa phương trong vùng phải ổn định chính trị, tập trung thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tiểu vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời phải tạo được sự liên kết trong vùng và tiểu vùng từ đầu tư, cơ sở hạ tầng, đến phân phối sản phẩm, tiêu thụ.


Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu, nắm chắc đặc điểm tình hình, tính chất đặc thù của vùng và từng địa phương, Ban chỉ đạo Tây Bắc đã lựa chọn các vấn đề chủ yếu, trọng tâm trong lĩnh vực kinh tế - xã hội để tham mưu, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Chính phủ triển khai nhiều đề án, cơ chế chính sách, giải pháp giúp các địa phương trong vùng tháo gỡ khó khăn, khai thác các tiềm năng, lợi thế tạo bước phát triển bền vững. Trong đó nổi bật là chương trình: “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2013 - 2018” với tổng đầu tư 550 tỷ đồng. Đây là một chương trình trọng điểm khoa học cấp nhà nước được đánh giá cao, nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc, trong đó tập trung vào nghiên cứu đưa khoa học ứng dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Mục tiêu cuối cùng của chương trình là phát triển được nông, lâm, ngư nghiệp thủy sản, kinh tế cửa khẩu, du lịch, phù hợp với thực tế vùng Tây Bắc.


Diện tích trồng chè vùng Tây Bắc đạt 74.000 ha.


Nét đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, đôn đốc phát triển kinh tế vùng của Ban chỉ đạo Tây Bắc được thể hiện rõ trong việc xác định đúng, trúng lĩnh vực cần tập trung để tạo ra bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội theo từng năm với từng chủ đề cụ thể. Trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, xã hội gồm: Phát triển mạnh hệ thống cơ sở hạ tầng; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Năm 2011, Ban tập trung vào tham mưu cho chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc”.


Năm 2012, với chủ đề phát triển giao thông vùng Tây Bắc, Ban đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng phương hướng, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Năm 2013 Ban đã phối hợp với một số bộ, ngành Trung ương, địa phương tổ chức thành công hai hội nghị: Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc tại tỉnh Tuyên Quang và Hội nghị chuyên đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc” tại tỉnh Phú Thọ. Năm 2014, xác định chủ đề công tác là “Liên kết phát triển du lịch - động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc” Ban đã phối hợp tổ chức thành công hội nghị liên kết phát triển du lịch, với sự tham gia của 35 đoàn ngoại giao quốc tế.


Bức tranh kinh tế sinh động vùng Tây Bắc


Sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo đôn đốc phát triển kinh tế vùng cùng với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc, bức tranh kinh tế của vùng ngày càng sinh động. Tăng trưởng kinh tế hàng năm toàn vùng luôn ở mức 10% trở lên. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng được cải thiện…


Theo đồng chí Trương Xuân Cừ - Phó trưởng ban phụ trách Ban chỉ đạo Tây Bắc thì điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Tây Bắc thời gian qua là phát triển ổn định nông - lâm và thủy sản, nhờ đó đã ổn định đời sống, an ninh, quốc phòng của vùng với 83% cư dân nông thôn, hơn 80% lao động làm nông, lâm, ngư nghiệp. Cùng với việc khai thác tối đa tiềm năng đất trồng cây lương thực, kết hợp với việc sử dụng giống mới, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, nên an ninh lương thực trong toàn vùng cơ bản đã được đảm bảo. Các vùng chuyên canh tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tiếp tục phát triển và mang lại hiệu quả khá cao.Nông - lâm - ngư nghiệp của vùng đã bắt đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung như chè 74.000 ha, cây ăn quả 180.000 ha; cà phê trên 15.000 ha. Dự án trồng cây cao su tiếp tục được triển khai, mở rộng ở những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, sử dụng giống chịu lạnh, cải tiến quy trình canh tác, đưa diện tích toàn vùng đạt trên 62.000ha.


Hơn 80% lao động làm nông - lâm - ngư nghiệp.


Đàn trâu, bò thịt, bò sữa phát triển khá nhanh, nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 3%, tạo nguồn thu chủ lực cho nhiều nông hộ. Nhiều mô hình kinh tế trang trại đặc sản được triển khai ở nhiều nơi. Một số địa phương đã nuôi thành công cá hồi, cá tầm trong môi trường nước lạnh, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao như Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái. Công tác trồng rừng đạt kết quả tích cực. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn vùng đã trồng mới 104.400 ha rừng các loại, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2013. Công tác sắp xếp, tổ chức lại các nông, lâm trường; giao đất, giao rừng cho chủ rừng; thu và chi trả phí dịch vụ môi trường rừng đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực...


Công nghiệp vùng Tây bắc đã chuyển dịch theo hướng tập trung đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng. Nhiều dự án công nghiệp trọng điểm được triển khai, nhiều dự án đã hoàn thành, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội như: Nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, Nhà máy chế biến gang thép Lào Cai, Nhà máy tuyển quặng Apatit Cam Đường…Trong vùng đã dần hình thành nên các khu công nghiệp ở các địa phương, mặc dù thu hút đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn, nhưng sản xuất công nghiệp từ các địa phương đang có lợi thế và đi vào chính quy tập trung. Công nghiệp khai khoáng và chế biến cũng phát triển khá mạnh. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu phát triển nhanh, đang tạo vị thế mới cho đầu tư, kinh doanh nông, lâm nghiệp.


Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ của khu vực Tây Bắc đã có những nét chấm phá, những khởi sắc mới đó là kinh tế biên mậu. Kinh tế cửa khẩu trong thời gian qua phát triển rất nhanh, đặc biệt là các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai. Các loại hình dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, bưu chính viên thông có bước phát triển mạnh, nhất là tại các đô thị trung tâm, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, trao đổi hàng hóa. Thương mại - dịch vụ đang có sự ưu tiên đầu tư khai thác các điểm du lịch Điện Biên Phủ, Khu di tích Pắc Bó, Đền Hùng, Sa Pa, hồ Ba Bể, hồ Thác Bà, núi Mẫu Sơn theo hướng đa dạng loại hình, nhất là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.


Để bức tranh kinh tế trở lên sinh động, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng được đặc biệt quan tâm, trong đó tập trung cao cho các dự án giao thông, thủy lợi, thủy điện trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ. Dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã thông tuyến. Các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 2, 3, 6; các tuyến vành đai 37, 279, hệ thống Quốc lộ 4 cũng đang được nâng cấp, nhiều tuyến đã hoàn thành. Gần 3.700km quốc lộ, đường liên huyện, đường đến trung tâm xã được mở rộng, nâng cấp. Phong trào kiên cố hoá đường liên xã, liên thôn, đã làm cho mạng lưới giao thông được cải thiện rõ rệt. 95% số xã đã có đường ô tô vào trung tâm. Điện lưới quốc gia đã vươn tới 97% số xã. Hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện đã thúc đẩy các dịch vụ thương mại, vận tải, du lịch phát triển. Doanh thu dịch vụ hàng năm toàn vùng đã tăng bình quân 18%, đáp ứng ngày càng tốt cho nhu cầu đời sống và sản xuất.


Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bức tranh kinh tế vùng Tây Bắc hôm nay đã có những nét chấm phá sinh động đầy sắc màu. Đó không chỉ là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các các địa phương vùng Tây Bắc mà còn là thành quả của sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Bắc.




Bài, ảnh: Tuấn Anh

Tây Bắc dấu ấn 10 năm
Tây Bắc dấu ấn 10 năm

Cuốn kỷ yếu “Tây Bắc dấu ấn 10 năm” phản ánh đầy đủ, toàn diện các hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc từ năm 2004 - 2014, đồng thời giới thiệu những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN