Xử lý tài sản công sau khi sáp nhập một số bộ, ngành và cơ quan báo chí

Trả lời câu hỏi của báo chí chiều 18/12 về việc xử lý tài sản công sau khi sáp nhập các bộ, ngành, cơ quan báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết: Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn xử lý tài cản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy. 

Chú thích ảnh
Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Tân Thịnh (giữa) trả lời báo chí chiều 18/12. Ảnh: BTC

Tổng kiểm kê giúp nắm được thực trạng của tài sản 

Do quá trình tổng kiểm kê diễn ra đồng thời với công tác tinh gọn, hợp nhất bộ máy trong hệ thống chính trị và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ông Nguyễn Tân Thịnh nhận định, sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tổng kiểm kê. 

"Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã lường trước được tình huống này và đưa ra một số giải pháp. Trong đó, ban hành văn bản hướng dẫn về xử lý tài sản của cơ quan, đơn vị sắp xếp lại, các đơn vị phải kiểm kê lại toàn bộ tài sản của đơn vị cũ, khi Đề án được phê duyệt sẽ chuyển các tài sản đó sang cơ quan mới. Đối với các đơn vị phải tinh gọn, sắp xếp lại, vẫn phải kiểm kê bình thường và có trách nhiệm bàn giao sang cho đơn vị mới tiếp nhận tài sản đó theo hướng tránh thất thoát tài sản", Cục trưởng Cục Quản lý Công sản nhấn mạnh.

Đề cập về kế hoạch Tổng kiểm kê tài sản công có quy mô lớn trên toàn quốc, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh chia sẻ, thực tế nhiều tài sản công không có hồ sơ tài liệu đầy đủ, một số đơn vị kê khai sơ sài, thiếu chính xác, dẫn đến giá trị tài sản công được kê khai không phản ánh đúng nguồn lực tích lũy.

Việc tổng kiểm kê là nhiệm vụ chính trị lớn của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và năm 2025 để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, sử dụng, khai thác, huy động có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, nhiều tài sản sau khi đầu tư xây dựng, được bàn giao, nhưng không có hồ sơ tài liệu. Có những loại tài sản phải đánh giá lại định kỳ, nhưng nhiều đơn vị không thực hiện. Ngoài ra, một số tài sản được biếu, tặng sử dụng, phải xác lập quyền sở hữu nhưng việc hạch toán chưa đầy đủ, chính xác và chưa xác lập quyền sở hữu theo quy định. Do đó, Quốc hội đã có Nghị quyết 74 chỉ đạo Chính phủ thực hiện tổng kiểm kê.

"Tổng kiểm kê giúp nắm được thực trạng của tài sản, đánh giá công tác hạch toán, sử dụng của các tổ chức, cơ quan, đơn vị để khai thác tốt hơn tài sản công với vai trò nguồn lực của Nhà nước. Phù hợp với Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế", đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Chốt thời gian hoàn thành tổng hợp kiểm kê

Chú thích ảnh
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, bà Trần Diệu An.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản Trần Diệu An cho biết, đối tượng gồm các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, với các tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (trừ tài sản đặc biệt tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và tài sản thuộc danh mục bí mật nhà nước). Ngoài ra, tài sản kiểm kê còn gồm kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu công nghệ thông tin tập trung, đê điều... do Nhà nước đầu tư và quản lý.

Thời điểm chốt số liệu kiểm kê được xác định là 0 giờ ngày 1/1/2025. Theo đó, các tài sản công hình thành sau mốc thời gian này sẽ không thuộc phạm vi tổng kiểm kê. Quy trình chuẩn bị gồm rà soát pháp luật, khảo sát thực tế, xây dựng biểu mẫu và chỉ tiêu kiểm kê. Việc kiểm kê thử nghiệm đã được triển khai tại 2 Bộ (Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải) cùng với 6 địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Kạn, và Quảng Ninh.

Về kế hoạch triển khai Đề án 213 thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 31/12/2024 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Đến ngày 31/3/2025 hoàn thành việc kiểm kê của các đối tượng thực hiện kiểm kê. Đến ngày 15/6/2025, các bộ, ngành, địa phương báo cáo về Bộ Tài chính.

Đến ngày 31/7/2025, Bộ Tài chính hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tài sản thực hiện kiểm kê gồm: Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (trừ tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản thuộc danh mục bí mật nhà nước).
Ngoài ra, còn có tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông (Đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải); KCHT cấp nước sạch, KCHT thủy lợi, KCHT thương mại là chợ, KCHT cụm công nghiệp, khu công nghiệp, KCHT khu kinh tế, KCHT khu công nghệ cao, KCHT khu công nghệ thông tin tập trung, KCHT ứng phó với biến đổi khí hậu là đê điều, KCHT cảng cá, KCHT thuộc thiết chế văn hóa, thiết chế thể thao ở cơ sở (cấp xã, cấp thôn), làng văn hóa, KCHT kỹ thuật là không gian xây dựng ngầm đô thị.
Tin, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
Tinh gọn bộ máy: Hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bớt cồng kềnh
Tinh gọn bộ máy: Hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bớt cồng kềnh

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, Quảng Ngãi đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN