Dồn lực tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do dịch COVID-19

Những ngày qua, vấn đề đảm bảo vận tải hàng hóa thiết yếu kịp thời phục vụ người dân, không để đứt gãy chuỗi sản xuất đã trở thành vấn đề sống còn tại các địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải hàng hóa gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cần các cơ quan chức năng, địa phương khẩn trương thống nhất tháo gỡ.

Bất cập phát sinh

Ngày 25/7, Chính phủ có văn bản chỉ đạo về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm; đồng thời, yêu cầu không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển các mặt hàng này trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Chú thích ảnh
Chốt kiểm dịch tại Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ gây ùn tắc trong những ngày qua. 

Trên thực tế, tình trạng phổ biến là các phương tiện "chôn chân" hàng giờ đồng hồ để qua chốt kiểm dịch trên các tuyến đường vào Hà Nội, Hải Phòng dù có thẻ ưu tiên “luồng xanh" và giấy xét nghiệm COVID-19.  Hàng đoàn xe nối đuôi ùn tắc hàng km tại chốt kiểm dịch. Trong khi đó, thời gian chứng nhận nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu chưa thống nhất; lái xe và doanh nghiệp vận tải mệt mỏi ứng phó với tiêu chí luồng xanh giữa các địa phương...  Đây là những bất cập phát sinh khi thực hiện luồng xanh ưu tiên cho vận tải hàng hóa thiết yếu, khiến dư luận bức xúc đòi hỏi sớm tháo gỡ kịp thời.

Chú thích ảnh
Phương tiện ùn tắc kéo dài trước Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Đơn cử, tại Hải Phòng từ ngày 18-20/7 vừa qua, 3 cửa ngõ đi vào thành phố bị ùn tắc nghiêm trọng bởi quy định áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe, trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin. Điều này khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Hay tại các cửa ngõ vào Hà Nội, trong 2 ngày qua, toàn bộ mặt đường Quốc lộ (QL) 1B hướng về Thủ đô ken kín phương tiện chờ duyệt qua chốt kiểm dịch, nhiều lái xe phải xếp hàng chờ từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa vẫn chưa qua được chốt. Nhiều phương tiện từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh... không đủ điều kiện di chuyển đến/qua Hà Nội, nhưng không di chuyển vào QL18 theo hướng dẫn mà vẫn cố tình vào QL1B, trong khi tuyến QL1B chỉ có điểm quay đầu ngay tại chốt kiểm dịch. Đáng nói, trong dòng xe ùn tắc có nhiều phương tiện mặc dù đã có thẻ nhận diện "luồng xanh", nhưng vẫn phải "chôn chân" vì không có đường ưu tiên di chuyển... 

Chú thích ảnh
Cận cảnh ùn tắc tại Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Tương tự tại chốt kiểm dịch BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, giao thông trong sáng 26/7 đã "giảm nhiệt" so với những ngày trước, nhưng tại một số thời điểm, giao thông tại cửa ngõ này vẫn ùn ứ, do lực lượng chức năng phải mất thời gian giải thích và hướng dẫn đối với những xe không đủ điều kiện lưu thông tiếp...

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo lý giải của đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) là do các phương tiện chủ yếu là xe container, xe tải lớn có biển kiểm soát của các tỉnh phía Nam di chuyển dài ngày lên phía Bắc, khi quay về đến địa giới Hà Nội thì thành phố áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên không kịp chuẩn bị các điều kiện để cấp phép thẻ “luồng xanh” hoặc chưa chuẩn bị kịp các giấy tờ theo quy định của TP Hà Nội, vì vậy không được thông qua chốt y tế, mặc dù không có nhu cầu vào nội đô.  

Tối 25/7, TCĐBVN đã phải có công văn 5224/TCĐBVN-TCHC gửi UBND TP Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ đạo lực lượng CSGT hướng dẫn, phân luồng xử lý ùn tắc, tạo thuận lợi cho các xe có nhu cầu đi các tỉnh phía Nam (không có điểm đến là TP Hà Nội) di chuyển ra khỏi địa giới hành chính TP Hà Nội theo luồng xanh quốc gia đã công bố, nhằm giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng và tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho hay, quy trình vận tải hàng hoá lưu thông trên đường những ngày qua của doanh nghiệp và lái xe gặp nhiều khó khăn do các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường, các chi phí bị đội lên. Nhiều xe vận chuyển rau củ quả tươi sống, với áp lực thời gian vận tải nhanh, hàng hoá nhiều khi chưa được bao gói theo đúng quy cách, chưa được kiểm soát tận gốc, do đó khi lưu thông trên đường cũng phát sinh khó khăn...

"Nói chung, vận tải hàng hoá hiện vẫn có thể hoạt động được, nhưng doanh nghiệp và lái xe cần được tạo điều kiện hơn nữa trong việc thực hiện các quy định về xét nghiệm và cách ly khi đi từ địa phương vùng dịch", ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.

Trực tiếp thị sát công tác kiểm soát phương tiện của lực lượng chức năng tại cao tốc BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ những ngày qua, Tổng cục trưởng TCĐBVN đề nghị Cục CSGT chỉ đạo Công an TP Hà Nội với những xe đã có thẻ nhận diện đi trên luồng ưu tiên cần cho đi ngay, không cần kiểm tra và xác minh những thông tin bên lề. Bởi việc cấp thẻ ưu tiên này các doanh nghiệp đã cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình đăng ký và Sở GTVT các địa phương đã thực hiện hậu kiểm chéo lộ trình đi/đến của phương tiện. 

Huy động mọi nguồn lực tháo gỡ, hỗ trợ

Trước thực tế, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN cho biết, quan điểm của Bộ GTVT thời gian qua là thực hiện quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, nhưng không làm đứt gãy chuỗi hàng hoá. Bộ GTVT đã thành lập 4 đoàn công tác đến các địa phương, các tuyến QL, cao tốc để kiểm tra, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc. 

Chú thích ảnh
Ùn tắc kéo dài suốt tuyến cao tốc dẫn lên cầu Phù Đổng trong 2 ngày qua.

Để khắc phục những bất cập phát sinh về luồng xanh ưu tiên vận tải hàng hóa, TCĐBVN tới đây đề nghị các doanh nghiệp vận tải khi in giấy nhận diện cần in bổ sung để dán trên hai cửa xe, chỉ cần dùng smartphone là có thể tra cứu được thông tin từ cơ quan quản lý Nhà nước để nhận diện ngay được xe này đã đăng ký chưa, nội dung thông tin như thế nào... Vì vậy, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cần yêu cầu các doanh nghiệp vận tải khai báo, đăng ký tên lái xe, người đi cùng trên xe vận tải luồng xanh, để các cơ quan chức năng dễ dàng hậu kiểm.

Chú thích ảnh
Phương tiện dồn ứ cả 2 chiều vì xe phải quay đầu.

"Đến ngày 26/7, trên phần mềm của TCĐBVN đã cấp gần 55.000 phương tiện lưu thông bằng giấy nhận diện luồng xanh. Từ khi TP Hà Nội triển khai giãn cách theo Chỉ thị 16, số lượng phương tiện đăng ký giấy nhận diện luồng xanh tăng cao, gây nên sự quá tải đột ngột, tạm thời với cơ quan quản lý Nhà nước. Sở GTVT Hà Nội hiện đang nỗ lực xử lý 24/24 giờ để giải quyết nhanh nhất", bà Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.

Chú thích ảnh
Những xe không đủ điều kiện lưu thông phải quay đầu xe, gây ra ùn tắc.

Ở góc độ địa phương, theo ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ngay sau khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, Sở GTVT đã phối hợp với các địa phương cấp thẻ ưu tiên trên "luồng xanh" vận tải hàng hóa để ưu tiên qua các chốt, giảm thủ tục kiểm soát, đảm bảo dịch bệnh, giảm ùn tắc giao thông. Hà Nội đã lập 22 chốt kiểm dịch trên các tuyến đường cửa ngõ. Riêng chốt cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, các lực lượng đã bố trí chốt trực trước trạm thu phí giáp hướng Hà Nam về Hà Nội để hướng dẫn phương tiện không thuộc diện dán thẻ ưu tiên quay đầu luôn, hạn chế từ xa tình trạng ùn tắc. 

Chú thích ảnh
Cận cảnh quay đầu xe trên tuyến.

Còn ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng khẳng định, Sở đã chủ động tham mưu với thành phố: Đối với những xe đi từ vùng có dịch về sẽ đi theo luồng riêng và ngoài kiểm soát về điều kiện an toàn giao thông, còn kiểm soát phiếu xét nghiệm COVID-19. Đối với những xe đi từ các tỉnh, thành phố khác, không phải vùng đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ thì các chốt kiểm soát dịch bệnh ra vào thành phố sẽ không kiểm soát. Đối với nội đô, Hải Phòng có thẻ nhận diện và phương tiện không phải chịu kiểm soát, chỉ thực hiện kiểm soát tại bến cảng, điểm tập kết hàng hoá... Bên cạnh đó, trong diễn biến tiếp theo của dịch bệnh, Hải Phòng sẽ tiếp thu ý kiến của TCĐBVN, các cơ quan và đặc biệt là các doanh nghiệp để việc giao thông hàng hoá diễn ra bình thường mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch.

Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết thêm, TCĐBVN đang soạn thảo quy định tạm thời về vận tải cho các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16, cũng như phòng chống dịch bệnh trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế hướng dẫn doanh nghiệp, lái xe; đồng thời, làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để mã hoá cấp thẻ nhận diện để đồng bộ với mã QR xét nghiệm, mã QR tiêm vaccine. Ngay tối 25/7, TCĐBVN đã thống nhất, khi có mã QR xét nghiệm/vaccine, cũng như mã QR nhận diện ưu tiên, các lực lượng chức năng có thể dễ dàng kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, nếu các lái xe không thực hiện quy định phòng chống dịch.

Bộ GTVT đã giao cho Cục Y tế GTVT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở GTVT chỉ đạo Bệnh viện GTVT TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện GTVT các địa phương khác phối hợp cùng Hiệp hội vận tải hàng hóa, đơn vị vận tải xét nghiệm lưu động cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa. Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo các quy định của Bộ Y tế về thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. 
Chú thích ảnh

 

Huy Hùng-Vân Sơn/Báo Tin tức
Xét nghiệm lưu động cho lái xe vận tải hàng hóa
Xét nghiệm lưu động cho lái xe vận tải hàng hóa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ký ban hành văn bản số 7316/BGTVT-VT hỗ trợ các địa phương thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN